Cúng cho con gái… lấy chồng gần
Chuyện cầu cúng đầu năm phổ biến ở nhiều gia đình. Nhiều người còn mướt mải chạy theo những buổi giải hạn, mâm cao cỗ đầy của các thầy cúng mà không biết rằng niềm tin tâm linh đang nhuốm màu tiền bạc và sự mê tín.
Nói chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Lan (Phú Thọ) cho hay, năm nào từ mùng 5 đến mùng 10 gia đình chị cũng làm lễ và mời thầy đến cúng. “Theo như lời thầy cúng đã dặn trước, tôi chuẩn bị xôi, gà, trầu, cau, gạo, muối, hoa quả, bánh kẹo, vàng mã, cháo... Đến giờ thầy chỉ việc gõ chuông cầu cho gia đình một năm bình an”, chị Lan chia sẻ.
Trước Tết về con gái chị thông báo có người yêu cách nhà 100km nên năm nay chị muốn thầy cúng “xin” để con gái chị chia tay người yêu và lấy chồng gần nhà. “Tôi mong lời xin của tôi sẽ thành hiện thực vì tôi chỉ có một mụn con gái”, chị Lan bày tỏ.
Chị Trần Ngọc Mai (32 tuổi) tại Vĩnh Phúc cũng cho biết, cúng giải hạn đầu năm đã trở thành “luật” của gia đình chị. Nếu không mời được thầy cúng là lòng chị dường như bất an. “Tôi phải chuẩn bị và đi mua đồ lễ theo lời thầy dặn mất 2 ngày. Số tiền bỏ ra cũng tương đối nhiều, nhưng, thầy bảo mua gì là phải mua không sẽ... mất thiêng”, chị Mai cho hay.
Gia đình chị Mai rất mong có con trai nên năm nay chị nhờ thầy “xin” hộ để sinh được quý tử. “Thầy cúng dặn tôi cuối năm mới được có bầu để sang 2022 sinh con. Nhưng kỳ thực, bố mẹ chồng tôi giục quá, giờ tôi không biết có nên nghe lời thầy cúng hay không? Còn đứa con gái đầu nhà tôi nếu muốn tránh được hạn năm 2021 thì phải làm một lễ khác để thầy kêu, cầu cho”, chị Mai hoang mang.
Một ngày cúng cho cả chục gia đình
Tâm lý “có cúng có linh” của không ít người đã giúp các thầy cúng được dịp “chạy sô” đầu năm. Theo lời kể của chị Mai, thầy cúng cho nhà chị năm nay chị phải mời mọc cả ngày thầy mới nể mặt. Thầy dặn nhà chị cúng trong khung giờ từ 15h đến 16h. Nếu như không sắp lễ kịp là thầy sẽ đi nhà khác và không bao giờ quay trở lại.
“Thầy cúng dịp đầu năm là khó mời nhất vì nhà ai cũng muốn làm lễ để dâng sao giải hạn, cầu cúng những mong muốn của mình. Giá thành từng nhà cũng khác nhau. Nếu gia đình nào thầy bảo có nhiều hạn phải đặt thêm tiền, còn bình thường 500 nghìn đồng/lần cúng. Tính chi phí một khóa lễ mất vài triệu. Không ít thầy còn hù dọa gia chủ “có sao sát chủ” để lấy thêm tiền, thêm lễ. Như gia đình tôi, năm ngoái phải làm 2 lễ nhưng vẫn đen đủ đường”, chị Mai nói.
Trước tình trạng cầu cúng, dâng sao giải hạn dịp đầu năm, chia sẻ với PV ĐS&PL, PGS - TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: “Hiện nay, vẫn còn không ít người mê tín, cuồng tín nên mới dẫn đến việc dâng sao giải hạn, cầu cúng đầu năm để làm lợi cho thầy bói, thầy cúng. Không những thế, mua vàng mã vô tội vạ về đốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường. Đốt nhiều vàng mã là đốt nhiều tiền. Đối với những gia đình không có điều kiện nên cân nhắc thật kỹ, tránh mua thêm gánh nặng vào người, nhất là trong thời điểm Covid, kinh tế gặp nhiều khó khăn”.
Cũng theo PGS.TS Lê Quý Đức, khi một người mê tín quá sẽ dẫn đến việc không tin vào chính mình. Mất niềm tin quá nhiều vào cuộc sống sẽ không tạo ra một bản lĩnh cho mình tự phấn đấu trong một năm. Tất cả mọi điều đều có luật nhân quả như nhà Phật nói. Nhân tốt để cho quả sau này tốt. Nếu bỏ tiền ra để thay đổi được nhân quả thì luật đó cũng không còn gì là thiêng liêng.
“Tôi nghĩ, nếu sao đã chiếu mệnh thì chẳng có thế lực siêu nhiên nào thay đổi được cả. Vì thế, mọi người không nên thần thánh quá mọi việc. Hãy để cuộc sống thuận theo tự nhiên. Chúng ta đến chùa cầu sức khỏe, cầu bình an và đến bằng cái tâm của chính mình”, PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ.
M.Thu