Bi hài vụ chồng bắt vợ trả tiền ăn, tiền khám sản mới cho ly hôn

Đêm 3/3, mạng xã hội xôn xao câu chuyện khó tin về vụ việc người vợ trẻ đăng đàn tố chồng đòi lại tiền ăn, tiền khám chữa bệnh mới cho mang theo đồ đạc cá nhân khi hai người chia tay.

Những ngày qua, trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện chồng bắt vợ phải trả lại toàn bộ chi phí sinh hoạt mới được ly hôn.

Theo đó, tài khoản Facebook “H.P” đăng tải lên trang cá nhân của mình nội dung: “Câu chuyện kể về một người phụ nữ đi lấy chồng không có tiền bạc của cải mang về nhà chồng. Kết hôn với chồng được 1 năm vì mâu thuẫn cô vợ không thể tiếp tục sống với anh chồng kia được nữa, và cô ấy chọn cách ra đi.

Ra đi vẫn chưa phải là cô ấy đã được giải thoát, anh chồng bắt cô ấy phải trả tiền ăn hàng ngày của cô cho anh ta thì anh chồng mới cho cô vợ mang đồ dùng cá nhân của mình đi (bình quân mỗi tháng 1 triệu đồng vậy là khi ra đi cô ấy phải trả 12 triệu đồng). Và rất nhiều những khoản tiền khác...".

be327afe-2dfa-433a-aab3-b1c3a20ba6cd-1-201-a-ffpq-1614923641.jpeg

Bài đăng "bóc phốt" người chồng "chia tay đòi lại quà" của cô vợ thu hút hàng ngàn lượt quan tâm, bình luận và chia sẻ. Ảnh: Thanh Niên

Kèm theo nội dung đăng tải, tài khoản “H.P” đã đưa ra một số hình ảnh chứng minh câu chuyện của mình là “có thật 100”. Trong đó đáng chú ý nhất là ảnh chụp 1 “biên bản bàn giao” viết tay, có đầy đủ chữ ký được cho là của người chồng (bên nhận) và chữ ký của người vợ (bên giao) trước sự làm chứng của đại diện ban thôn, chi hội phụ nữ thôn, công an viên xã phụ trách thôn.

Theo nội dung biên bản, cô vợ, cũng là chủ nhân của tài khoản Facebook “H.P” đăng tải câu chuyện nói trên, tên thật là P.T.TH. (31 tuổi, quê xã Bình Nguyên, H.Kiến Xương, Thái Bình), kết hôn với chồng là anh Đ.N.H. (32 tuổi, ngụ xã Quốc Tuấn, H.Kiến Xương, Thái Bình) từ tháng 12/2019.

Do hai vợ chồng chung sống không hạnh phúc nên đến tháng 2/2021 chị H. yêu cầu hai người chia tay. Anh H. đồng ý với điều kiện chị phải trả lại cho gia đình anh tổng cộng số tiền là 42 triệu 600 nghìn đồng mới cho mang theo đồ đạc cá nhân đi.

Trong đó, có các khoản như tiền ăn hàng tháng (mỗi tháng 1 triệu đồng), tiền khám chữa bệnh phục vụ việc sinh sản, tiền đóng học, tiền mừng cưới hai vợ chồng, tiền 1 chỉ vàng cưới mẹ chồng trao cho con dâu.

Câu chuyện của chị H. sau khi đưa lên mạng xã hội Facebook đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng với hàng ngàn lượt quan tâm, bình luận và chia sẻ. Hầu hết các ý kiến đều lắc đầu ngán ngẩm, chỉ trích việc làm quá quắt, không có tình nghĩa của người chồng.

Đại diện lãnh đạo hội Phụ nữ xã Quốc Tuấn (huyện Kiến Xương, Thái Bình) cho biết: “Theo thông tin chúng tôi nắm được thì vợ chồng anh chị H. chưa chính thức ly hôn. Hôm hai vợ chồng họ xảy ra mâu thuẫn, xô xát, đại diện Chi hội Phụ nữ thôn cũng đã xuống để khuyên can, hoà giải. Còn việc thoả thuận về vấn đề tài sản, tiền bạc như thế nào là chuyện nội bộ của gia đình họ, chúng tôi không tiện tham gia”.

Liên quan đến vụ việc đang gây xôn xao mạng xã hội, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm của mình.

Theo đó, luật sư Cường nhận định: "Đây là hành vi đáng xấu hổ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Có lẽ nhiều người đàn ông tử tế sẽ thấy xấu hổ khi trước thềm 8/3 mà lại xuất hiện biên bản thỏa thuận kiểu chia tay đòi quà một cách thiếu tình người đến thế".

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Cường phân tích, thông thường khi ly hôn, vợ chồng có thể tự thỏa thuận để giải quyết với nhau về việc chia tài sản chung và xác nhận tài sản riêng của 2 vợ chồng.

Theo đó, tài sản chung vợ chồng là những tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung, do vợ chồng lao động sản xuất làm ra trong thời kỳ hôn nhân. Bởi vậy với những khoản tiền, nhẫn cưới và các tài sản khác mà hai vợ chồng được tặng cho chung thì sẽ phải chia đôi, có tính đến công sức đóng góp, nguồn gốc tài sản và ưu tiên quyền lợi của phụ nữ. Đối với trang sức cá nhân thì sẽ là tài sản riêng của người vợ.

"Trong câu chuyện trên, trường hợp cái nhẫn vàng trong ngày cưới mà người vợ được gia đình nhà chồng tặng cho riêng thì đây là tài sản riêng của người vợ, người chồng không có quyền đòi chia chiếc nhẫn này, bố mẹ chồng cũng không có quyền đòi lại chiếc nhẫn này bởi hợp đồng tặng cho đã có hiệu lực pháp luật", luật sư Cường cho biết!

Bởi vậy, nếu trường hợp người đàn ông này giữ giấy tờ của người phụ nữ với mục đích để ép buộc người phụ nữ này phải đưa cho anh ta những tài sản không phải là tài sản chung, không thuộc quyền sở hữu của anh ta thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này thể hiện tương đối rõ qua trang thứ nhất của biên bản là cô gái phải trả tiền thì mới được lấy lại giấy tờ.

Pháp luật không quy định cho phép khi ly hôn một trong hai bên lại đòi tiền ăn trong quá trình sinh sống với nhau, kể cả tiền khám chữa bệnh, tiền học phí... Bởi đó là là chi phí đã chi ra rồi, pháp luật cũng không cho phép đòi lại những khoản tiền này. Vì vậy, việc người đàn ông này đòi lại những khoản tiền đó là không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với đạo đức xã hội.

Luật sư Cường nhấn mạnh, trong vụ việc này, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét làm rõ các khoản tiền, tài sản được kê trong biên bản này có phải là tài sản của người đàn ông đó không?

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc yêu cầu đưa tài sản là không có căn cứ pháp luật, hành vi của người đàn ông này là đe dọa, uy hiếp người phụ nữ, lợi dụng tình trạng khó khăn của người phụ nữ này để chiếm đoạt tài sản thì đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trường hợp người phụ nữ này vì bị đe dọa, uy hiếp mà miễn cưỡng phải giao tài sản cho người đàn ông này thì hành vi có dấu hiệu tội phạm. Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy, luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ có căn cứ cho thấy rằng người đàn ông này đã giữ giấy tờ của người phụ nữ để đe dọa uy hiếp, buộc người phụ nữ này phải đưa những khoản tiền không có căn cứ, không đúng pháp luật cho mình. Người phụ nữ này vì lo sợ, vì bị ép buộc, dọa nạt nên miễn cưỡng đưa tiền cho người đàn ông này thì dù việc đưa tiền có sự chứng kiến của cơ quan tổ chức cá nhân thì hành vi này cũng là hành vi cưỡng đoạt tài sản, hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015.

Với số tiền dưới 50.000.000 đồng thì người có hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.