Bi kịch của những con nợ bị “bên thứ 3”… phạt nợ

Từ đại dịch Covid 19 nhiều người rơi vào túng quẫn phải lao vào tình huống vay nợ của các đối tượng cho vay tín dụng đen. Để rồi, thay vì trả nợ theo giao kèo, nhiều con nợ vướng tin nhắn "khủng bố" của “bên thứ 3”….  với số nợ bị thổi phồng gấp hàng chục lần. Từ đó, nhiều người đã rơi vào bi kịch, hoang mang...

Nỗi lo sợ “bên thứ 3”… phạt nợ

Sau hành động gửi tin nhắn đe dọa dù đã đòi được nợ với số lãi cao, nhưng các đối tượng này không bằng lòng với lãi suất thu về mà lại “bày trò” bán cho “bên thứ 3”. Nói bán khoản nợ cho “bên thứ 3” nhưng thực chất là “râu ria”, “tay chân” của các công ty cho vay qua app di động. Để hù doạ, các đối tượng này “bên thứ 3” cũng thường đưa những hình xăm trổ và tụ tập rất đông lên trang mạng xã hội facebook, zalo… Thực chất đây là các công ty, các cơ sở cầm đồ, đòi nợ… đứng sau bày trò, lập mưu. Để trục lợi, chúng thường viết giấy ủy quyền cho “bên thứ 3” mà thực tế đều là người của nhóm cho vay nói trên.

https://www.shbfinance.com.vn/Data/Sites/1/media/Tu%20van/Meo%20vat%20tai%20chinh/nd41_nd50/vay-tien-nong-la-gi-ban-co-nen-vay-tien-nong-hay-khong-01.jpg

Nhiều người lâm cảnh khốn cùng khi bị bán nợ cho bên thứ 3 (ảnh minh họa)

Bi kịch là khi sang “bên thứ 3”, số tiền sẽ không tính theo bất cứ một quy định hay lãi suất nào mà do người đòi nợ hét giá. Nếu những con nợ nào yếu bóng vía thì phải chấp nhận số nợ đó. Điển hình như chị L. vay của Ucash (ứng dụng của công ty L…) 4 triệu đồng, đến hạn phải trả lên đến 5.690.000 đồng nhưng chậm 30 ngày đã được thông báo lên thành 13 triệu đồng.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Phương (tên đã thay đổi) bức xúc kể lại câu chuyện: “Trước đó, số tiền tôi thực vay ở một công ty tài chính trên mạng chỉ cần chứng minh thư và số điện thoại chỉ là 2,5 triệu đồng, khi trễ hạn thì số tiền đã lên 4.650.000 đồng”. “Thế nhưng khi qua bên thứ 3 thì số tiền của tôi đã lên 10 triệu đồng. Sau khi hù doạ thì người này thông báo số tiền trên là bị phạt và trong đó có lý do lãng nhách là “dốc láo” (một thuật ngữ riêng của giới vay). Thực tế, tôi bị bệnh phải nhập viện nhưng họ không tin, cho rằng tôi “dốc láo” nên đưa vào phạt”.

Không ít người từng dính bấy nhiêu chiêu thức thổi phòng số nợ được các “giang hồ” hù doạ về gia đình của các con nợ. “Khi chưa thanh toán đúng hạn số tiền cho họ thì bị gọi về gia đình. Lúc đó, ba em đang bị đau tim nhưng họ đã gọi điện về nhà thông báo. Thực tế, số tiền em phải trả hơn 3 triệu nhưng họ lại thông báo 40 triệu đồng. Nhà lại không có tiền nên em sợ ba có bệnh gì thì không biết ăn nói thế nào”, anh Trần Minh T. (ngụ quận 9, TP.HCM) cho biết.

Hay anh S. cũng cho biết: “Tôi có vay ở một công ty số tiền 2 triệu đồng, đến hẹn trả nhưng tôi chưa có lương. Họ bảo tôi chịu phạt và hẹn 10 ngày phải tất toán, thế nhưng họ lại gọi nói với bố rằng, tôi đang vay nợ xã hội đen 200 triệu và sẵn sàng lấy tính mạng tôi bất cứ lúc nào. Hiện bố tôi đang nguy kịch tại bệnh viện. Đúng là những người ác nhân”.

Hay như câu chuyện của bà Nguyễn Bích Hường (Hà Đông) bị phá cả quán trà đá của gia đình. “Tháng trước em có vay của cửa tiệm cầm đồ 5 triệu đồng, tới 10 ngày  phải trả là 7.200.000 đồng mà chưa gom đủ tiền nên trễ hạn 8 ngày. Thế là họ gọi điện chửi em và mẹ liên tục, sau đó, nhắn tin hăm doạ. Đến khi em thanh toán được đủ 7.200.000 thì họ vẫn gọi chửi và phá quán cơm của gia đình và đòi hơn 10 triệu. Đòi quá đáng mà tôi thấy phẫn nộ nên không trả thì họ viết giấy ủy quyền cho 2 đối tượng xăm trổ đến tận cửa hàng đòi. Đồng thời, đưa hình ảnh ba mẹ em lên face và nhắn cho mọi người rằng gia đình gian manh, mất huy tín và danh dự của cả gia đình”.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) giải thích: Cho vay tiền là một giao dịch dân sự phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ nợ cũng dễ dàng đòi lại được tiền từ con nợ. Để thu lại được tiền, nhiều người đã không màng đến các quy định của pháp luật mà thực hiện các hành vi côn đồ thậm chí là thuê xã hội đen về đòi nợ. 

Các hành vi này có thể gây tổn thương đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác. Vì vậy, tùy vào mức độ, tính chất vi phạm, những người thực hiện các hành vi này, có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

- Nếu làm loạn, gây mất trật tự, phá phách để đòi nợ, người thực hiện có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng với mức phạt hành chính lên đến 03 triệu đồng (căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Trường hợp gây rối trật tự công nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh xã hội hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà chưa được xóa án tích, người thực hiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù đến 07 năm.

- Nếu dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc bên vay phải giao tài sản để trừ nợ, theo điểm c, khoản 2, Điều 15 Nghị định 167, hành vi sẽ bị phạt hành chính từ 02 - 05 triệu đồng.

Ngoài quy định phạt hành chính, người thực hiện hành vi vi phạm này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm.

- Nếu trực tiếp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để ép buộc bên vay giao tài sản, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Hiển, theo quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2005: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Vậy để tránh tình trạng bị khủng bố, đe dọa và trả lãi cắt cổ như trường hợp nói, người dân nên tìm những ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp để vay văn minh, đúng luật”.

Hoàng Long - Người Đưa Tin