Những ngày qua, PV liên tục cập nhật thông tin về vụ sạt lở khiến 55 người thương vong tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Tang thương, mất mát tại Trà Leng không có ngôn từ nào có thể diễn đạt hết được.
Trong đó, có 1 hoàn cảnh vô cùng đau thương là gia đình em Hồ Văn Trí (21 tuổi).
Trí nghẹn giọng kể, đang là sinh viên năm 4, ngành Giáo dục chính trị, trường đại học Sư phạm Huế. Ngày 28/10, thông tin bão số 9 vào miền Trung, em khá lo lắng.
Sáng đó, cha gọi điện dặn dò: “Bão lớn, không được ra ngoài nghe con”. Em cũng khuyên cha mẹ giữ gìn sức khoẻ, cẩn thận vì trên tivi có dự báo bão lớn.
Đến chiều, Trí run rẩy đọc tin trên báo và mạng xã hội về cơn lũ quét đã san phẳng thôn 1, xã Trà Leng. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của em. Em lập tức cầm điện thoại, gọi về nhà. Đầu máy bên kia chỉ là những tiếng “bíp” nối dài.
Trí vội vượt mưa gió trở về huyện Bắc Trà My. Trên đường, em cầu nguyện mọi chuyện an yên với gia đình mình.
Do mưa đường về quê của em bị núi sạt. Khi đến Km 60+100, em đành dừng chân, chờ lực lượng chức năng thông đường. “Ngồi đợi mà lòng em như lửa đốt”, Trí nói.
Đường thông, em tiếp tục vào Trà Leng. Khi đến nơi, trước mắt chỉ là 1 đống đổ nát lớn. Em không còn định hình được căn nhà của mình từng nằm ở đâu…
Lát sau, người trong làng chỉ đến 1 mô đất, có 2 ngôi mộ vừa được đắp. “Ba mẹ mày đi rồi”, họ nói. Trí ngã quỵ. Em ôm 2 mô đất lạnh nước mắt lăn dài.
“Em không thể ngờ, cuộc gọi hôm ấy lại là lần nói chuyện cuối cùng của em với cha”, Trí nghẹn giọng.
Trí là con đầu trong gia đình. Sau Trí còn có 3 đứa em nhỏ, trong đó Hồ Văn Trung, đang học nghề sửa ô tô, Hồ Thị Điệp đang học lớp 11 trường THPT Nam Trà My, và em út Hồ Văn Đệ học lớp 9 trường THCS Trà Leng.
Được biết cậu em út cũng là nạn nhân của vụ sạt lở, may mắn sống sốt, đang được điều trị tại bệnh viện.
Điệp chính là cô bé gục bên 2 ngôi mộ trong bức ảnh được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều suốt 2 ngày qua. Điệp đang học nội trú.
Chiều 29/10, nghe thông tin thôn 1 Trà Leng đã bị chôn vùi, em mượn điện thoại, gọi liên tục về nhà nhưng không liên lạc được. Em thông báo sự việc với thầy cô rồi gục khóc.
Sau đó, Điệp theo chân các thầy cô về làng. Đến nơi nào đường sạt lở, mọi người lại khiêng xe qua. Mất 5 giờ đồng hồ, Điệp đã về làng.
Vừa đến nơi, em hỏi người trong làng, có biết cha mẹ em đâu không? Người làng dẫn đến 2 ngôi mộ nằm trên đồi. Em gục bên 2 ngôi mộ và khóc.
“Cha mẹ mất rồi, 4 anh em nhà em không biết phải sống như thế nào nữa”, Điệp nức nở.
Thầy Trần Thanh Quốc, Hiệu trưởng trường THPT Nam Trà My cho biết, gia đình của Điệp thuộc diện khó khăn. Cha mẹ cố gắng nhiều mới có thể nuôi 4 đứa con khôn lớn và cho đi học. Trong đó, Trí, Điệp và Đệ đều rất sáng dạ.
Theo thầy Quốc, các thầy cô giáo trong trường đã đồng lòng cưu mang 4 anh em của Điệp trong suốt khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
“Chúng tôi sẽ xem các em chính là con của mình. Hy vọng rằng, đây sẽ là động lực để các em vượt qua mất mát lớn lao này”, thầy Quốc nói.