Biến chứng kinh hoàng có thể xảy ra khi xăm môi cho trẻ 5 tuổi

TS Trần Ngọc Ánh – Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho rằng, thật sự khó chấp nhận được việc xăm môi cho trẻ 5 tuổi chỉ để bé có môi hồng. Hành động xăm môi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé.

Biến chứng kinh hoàng có thể xảy ra khi xăm môi cho trẻ 5 tuổi

Mới đây, cư dân mạng xôn xao câu chuyện về một bé gái 5 tuổi được cha mẹ cho phun xăm collagen thẩm mỹ.

Theo đó, chủ một tài khoản Facebook đã chia sẻ: "Cô khách nhí 5 tuổi, chị em nhìn mà lấy động lực nhé, cô nàng nào sợ đau thì nhìn em đi nè".

Bài đăng khiến cư dân mạng phẫn nộ vì phun xăm là phương pháp làm đẹp chỉ nên dành cho người trưởng thành. Theo thông tin từ mạng xã hội, sự việc xảy ra từ tháng 3/2021.

Được biết, sau đó, người trực tiếp phun xăm cho cô bé là bố đẻ - người đang kinh doanh thẩm mỹ viện đã giải về việc xăm môi cho cháu bé: "Hiện nay đa số học sinh đến trường đều thích dùng son dễ nhiễm chì rất có hại về sau nên S.T. đã làm môi cho con gái để an toàn cho con gái hơn".

Bố mẹ của bé 5 tuổi được biết chính là chủ của thẩm mỹ viện đã chia sẻ một status: "Cô khách nhí 5 tuổi, chị em nhìn mà lấy động lực nhé, cô nàng nào sợ đau thì nhìn em đi nè".

Đánh giá về vấn đề xăm môi cho trẻ 5 tuổi đang gây xôn xao dư luận mới đây, TS Trần Ngọc Ánh – Bệnh viện Da liễu TP.HCM thông tin trên Báo Dân Việt cho rằng, thật sự khó chấp nhận được việc xăm môi cho trẻ 5 tuổi chỉ để bé có môi hồng.

Hành động xăm môi cho bé 5 tuổi tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé vì ở tuổi đó trẻ con đang có rất nhiều thay đổi.

Theo TS Ánh, đối với thẩm mỹ y khoa không có giới hạn nào quy định độ tuổi vì có trường hợp bé bị bớt hay bị vấn đề gì đó đến thẩm mỹ mới cần can thiệp và phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Còn hành động mang trẻ bé như vậy ra để làm thẩm mỹ thì không tốt chút nào.

Xăm môi là phương pháp giúp cải thiện tình trạng thâm môi, môi nhợt nhạt, giúp môi trở nên hồng hào, gợi cảm hơn, rút ngắn thời gian trang điểm, thế nhưng đây là phương pháp chứa nhiều rủi ro, tai biến có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ, so với việc xăm ở các vùng khác trên cơ thể (xăm mày, xăm mi mắt…) tỷ lệ biến chứng xăm môi được xảy ra nhiều hơn. Đối với xăm mày mỗi tháng tại bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 1-2 ca biến chứng.

Đặc biệt, không chỉ tỷ lệ biến chứng cao hơn, nhiều trường hợp xăm môi gặp phải các biến chứng nặng khó điều trị như: Tình trạng nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tự mủ, viêm làm tăng sắc tố khiến môi bị thâm đen nhiều hơn hoặc xăm hỏng gây lệch, sẹo xấu vĩnh viễn trên viền môi…

Đã có rất nhiều trường hợp bị biến chứng sau xăm môi. Ảnh minh họa.

Xăm môi, phun môi là 2 phương pháp đưa mực xăm vào trong lớp da hoặc niêm mạc, tùy theo độ nông sâu mà có thể gọi là xăm hay phun khác nhau.

Phun môi là kỹ thuật sử dụng máy phun xăm có gắn đầu mũi kim siêu nhỏ, bên trong có gắn bầu mực tác động vào môi với độ sâu không quá 0,2 mm, đưa mực xăm vào lớp biểu bì của da, thời gian nghỉ dưỡng ít, môi ít sưng nề, tuy nhiên độ bền màu kém.

Xăm môi là kỹ thuật dùng kim đâm xuyên qua lớp sừng, sau đó thoa đều mực xăm lên hoặc lấy mũi kim nhúng vào mực trước rồi thoa lên da đưa mực xăm vào lớp sâu của da, có thể qua lớp đáy xuống trung bì.

Với độ sâu tác động lên môi, kỹ thuật xăm môi giúp bền màu hơn, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về các biến chứng, thường gây tổn thương lớp niêm mạc nhiều nên khi xăm có thể gây chảy máu. Sau xăm, môi sưng nề to và có thể gây nhiễm trùng.

Ở các trường hợp mực xăm không rõ nguồn gốc, quá trình thực hiện không đảm bảo vô trùng, người thực hiện không nắm vững chuyên môn thì cả phun môi lẫn xăm môi đều tiềm ẩn những nguy cơ.

ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó trưởng khoa Thẩm Mỹ Da, BV Da Liễu TP.HCM nhấn mạnh trên báo sức khỏe và đời sống rằng, việc xăm môi ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tai biến. Trước tiên là nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm siêu vi như viêm gan siêu vi B, C, HIV… nếu người thực hiện không đảm bảo môi trường và kỹ thuật vô trùng.

Kế đến là việc sử dụng chất lượng mực xăm kém, rẻ tiền có thể gây ra các phản ứng dị ứng nặng tại nơi xăm như sưng nề, đỏ da, nổi mụn nước...

Trong trường hợp dùng loại mực xăm tốt, cũng không thể loại trừ được hoàn toàn phản ứng dị ứng với mực xăm, nhất là màu xăm đỏ. Cuối cùng, việc chăm sóc sau khi thực hiện kỹ thuật xăm cũng rất quan trọng, hầu hết các trường hợp xảy ra tai biến do nơi thực hiện kỹ thuật xăm không tư vấn hoặc tư vấn sai cách chăm sóc sau xăm.

ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó trưởng khoa Thẩm Mỹ Da, BV Da Liễu TP.HCM khuyến cáo, trên thực tế nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ là chính đáng, để làm đẹp an toàn, chị em phụ nữ nên ưu tiên lựa chọn giải pháp sử dụng son môi.

Việc dùng son cũng mang tính thời trang hơn do có thể thay đổi nhanh theo xu hướng.

Trong trường hợp nếu các chị em vẫn muốn lựa chọn phương pháp xăm môi, nên tìm hiểu kỹ, lựa chọn các cơ sở uy tín, đảm bảo các trang thiết bị và quy trình vô trùng. Nếu có tai biến do xăm môi xảy ra, thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt, để tránh việc tự xử lý sai, làm thương tổn càng nặng, phục hồi càng khó hơn.

Nguồn: Khỏe và Đẹp