Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học: Công chức không còn bị 'hành'?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sẽ giúp giảm bớt thủ tục rườm rà, hành công chức, viên chức.

Bớt thủ tục phiền hà, tránh tiêu cực mua bằng bán điểm

PV: Ông đánh giá như thế nào về chủ trương xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với công chức, viên chức mà bộ Nội vụ đang xây dựng?

Ông Lê Như Tiến: Bất kỳ thủ tục hành chính nào mà gây phiền hà cho người dân, cán bộ công chức, viên chức đều nên loại bỏ. Nếu chúng ta vẫn sính những thứ mang tính hình thức cho đẹp hồ sơ như chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ thì họ sẽ tìm mọi cách để có được.

Nếu chúng ta quá coi trọng bằng cấp, chứng chỉ sẽ nảy sinh vấn đề bất cập, chạy bằng, chạy chứng chỉ. Thực tế, báo chí cũng đã phản ánh nhiều đường dây mua bán bằng giả, ngay cả bằng tiến sĩ cũng có thể mua được huống hồ mấy cái chứng chỉ đơn giản. Tôi được biết, một số trường ở nướ ngoài chỉ cần có tiền cũng có thể ghi danh, sau 3- 4 năm là có bằng (bằng thật, kiến thức giả).

Ông Lê Như Tiến

Đã đến lúc chúng ta chấm dứt tình trạng máy móc trong tuyển dụng, nâng hạng, bổ nhiệm khi chỉ căn cứ vào văn bằng. Bởi văn bằng nhiều khi không có thực, mà đánh giá trình độ cán bộ phải căn cứ vào năng lực thực tế. Chủ trương mới sẽ giúp giảm rất nhiều gánh nặng, bớt thủ tục phiền hà cho công chức, viên chức. Bởi trong chương trình đào tạo đại học bao giờ cũng có đào tạo về ngoại ngữ và tin học thì hà cớ gì phải đẻ thêm chứng chỉ? Những người đã tốt nghiệp đại học mà đảm bảo được chứng chỉ tin học và ngoại ngữ tối thiểu thì có thể coi đương nhiên đủ tiêu chuẩn tuyển công chức, viên chức.

PV: Bộ Nội vụ hướng tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ ở một số lĩnh vực là cần thiết. Tuy nhiên, bỏ chứng chỉ mà vẫn duy trì lập hội đồng thi ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng cán bộ, công chức liệu có hợp lý khi người được tuyển đã có văn bằng, chứng chỉ phù hợp?

Ông Lê Như Tiến: Theo tôi, việc xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cũng cần có những thay đổi phù hợp với thực tế. Tùy theo vị trí việc làm mà xét tiêu chí về trình độ ngoại ngữ, tin học. Ngay cả quy định về các điều kiện để thi thăng hạng chức năng nghề nghiệp viên chức và nâng ngạch viên chức cũng chỉ yêu cầu có trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với vị trí việc làm. Bộ Nội vụ cũng cần hướng dẫn thi tuyển theo vị trí việc làm.

Khi còn công tác tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tôi có đi thăm quan, học tập kinh nghiệm một số nước và họ không tổ chức thi tuyển như chúng ta. Bản thân người tuyển dụng trực tiếp đứng ra phỏng vấn, đánh giá năng lực và đưa ra các tình huống cụ thể để xem người ứng cử vào vị trí việc làm đó có xử lý được hay không. Ở các nước coi trọng kiến thức thực tế hơn là lý thuyết, bằng cấp.

Siết chặt đầu ra của các trường đại học

PV: Theo ông, có nên siết chặt đầu ra công tác khảo thí, đánh giá chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức hay không?

ĐBQH Lê Như Tiến: Theo tôi, chúng ta cần thắt chặt đầu ra ở ngay chính các trường đại học bởi đầu ra của các trường đại học mà tốt thì đầu vào của các cơ quan nhà nước, bộ ngành, doanh nghiệp sẽ được đảm bảo. Thắt chặt đầu ra và nâng cao chất lượng đầu ra của các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo cả về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ lẫn tin học, ngoại ngữ thì sẽ không có cảnh cán bộ, công chức phải chạy theo chứng chỉ, bằng cấp…

Ảnh minh họa.

PV: Nếu hướng tới thi ngoại ngữ tin học trong tuyển dụng, thăng hạng dành cho cán bộ công chức, viên chức…thì có nên miễn thi cho người đã có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc quốc gia và chứng chỉ quốc tế được Việt Nam công nhận không, thưa ông?

ĐBQH Lê Như Tiến: Nếu công chức, viên chức đã có chứng chỉ ở các cơ sở đào tạo có uy tín đáp ứng yêu cầu theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc quốc gia và chứng chỉ quốc tế được Việt Nam công nhận thì cũng nên miễn thi cho những đối tượng đó.

Trong trường hợp đơn vị tuyển dụng, thăng hạng lo ngại về bằng cấp giả, chứng chỉ giả thì đơn vị tuyển dụng có thể tăng cường khâu hậu kiểm. Nếu phát hiện ra sai phạm, đơn vị tuyển dụng phải xử lý nghiêm minh, loại bỏ công chức, viên chức gian dối ra khỏi bộ máy.

Theo quan điểm của tôi, công tác thi tuyển công chức có thể áp dụng theo quy trình báo chí- xuất bản, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, không lòng vòng, gây rắc rối phức tạp cho người tham gia thi tuyển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020, trả lời câu hỏi của PV về việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức, viên chức, Thứ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Nghị định 115 ngày 25/9/2020 và nghị định 138 vừa ký ngày 27/11/2020, đã quy định cụ thể về miễn tin học, ngoại ngữ với các trường hợp.

Theo ông Thăng, trước đây nghị định 24 năm 2010 và nghị định 29 năm 2012 không quy định cụ thể những trường hợp nào được miễn. Mới đây, nghị định 115 và nghị định 138 đã quy định rất rõ những trường hợp nào được miễn thi hoặc miễn chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng hoặc khi thi nâng hạng viên chức.

Thứ trưởng bộ Nội vụ cho biết, đối với từng vị trí việc làm sẽ có những quy định cụ thể về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Vị trí nào cần thiết thì sẽ được quy định cụ thể. Bộ Nội vụ cùng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành, sẽ rà soát toàn bộ mã số, tiêu chuẩn chức danh để triển khai việc này cho phù hợp.