Khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải
Ngày 29/9, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2021. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Lê Đình Thọ khẳng định, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung do dịch bệnh, song nhờ có sự nỗ lực, cố gắng của tập thể toàn Ngành nên cơ bản vẫn hoàn thành nhiều nhiệm vụ đặt ra, đặc biệt là công tác giải ngân.
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai nhiều giải pháp nhằm không để bị đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất-kinh doanh; yêu cầu các địa phương rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gây vướng mắc trong hoạt động vận tải.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT tải đang khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực sau khi kết thúc giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án khắc phục khó khăn, đẩy mạnh, linh hoạt trong tổ chức thi công phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Tại buổi cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ tiếp tục yêu cầu các cơ quan đơn vị của Bộ đảm bảo vận tải lưu thông phòng chống dịch, các vấn đề giải ngân, an toàn giao thông, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò người đứng đầu, chủ động trong công việc, linh hoạt trong mọi điều kiện.
“Vụ Vận tải phải lập một tổ rà lại kế hoạch để có ban hành khung hay chi tiết đặc biệt là liên quan đến y tế, từ đó tổ chức giao thông. Trong kế hoạch này phải ghi rõ kiến nghị cấp có thẩm quyền Trung ương và địa phương chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ rõ.
Về công tác xây dựng cơ bản, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, trong quý 3/2021, không có dự án nào dừng thi công dù ảnh hưởng của dịch; Bộ đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng khi tham mưu kịp thời xử lý khó khăn về vật liệu, làm việc với các địa phương về giải phóng mặt bằng, phân bổ nguồn vốn, thường xuyên kịp thời theo dõi và đôn đốc giải ngân…
Giải ngân hơn 60% vốn đầu tư công
Ngoài việc thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông, giải ngân vốn đầu tư công, Bộ GTVT cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xây dựng kế hoạch khôi phục vận tải, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tổ chức giao thông.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Đầu tư, đến hết tháng 9/2021, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch, trong đó vốn trong nước giải ngân được 24.332/38.564 tỷ đồng (đạt 63,5%); vốn nước ngoài giải ngân được 2.390/4.837 tỷ đồng (đạt 49,1%).
Kết quả giải ngân chung của cả Bộ đáp ứng tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 63 của Chính phủ (hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu đạt 60%).
Tuy nhiên, từ nay đến hết ngày 31/1/2022 cần giải ngân 16.900 tỷ, đây là con số lớn trong khi những tháng cuối năm miền Trung và Tây Nguyên vào mùa mưa nên là thách thức lớn để hoàn thành kế hoạch.
“Đặc biệt, phải gắn vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; thúc đẩy tiến độ giải ngân; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2022 để sớm giao vốn. Lưu ý trong quá trình triển khai dự án phải đặc biệt quan tâm đến quản lý chất lượng công trình song song với phòng chống dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.
Về công tác bảo trì đường bộ, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các dự án bảo trì đường bộ đã giải ngân đạt tỷ lệ 66%, cuối năm hoàn thành 100% và không có vướng mắc gì do có phương án tiến độ cụ thể từng tháng.
Về công tác lập quy hoạch ngành quốc gia, Bộ GTVT đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ 4/5 quy hoạch ngành quốc gia. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch về mạng lưới đường bộ và cảng biển.
Đối với quy hoạch ngành hàng không đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang xin ý kiến Thường trực Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Dự kiến 3 quy hoạch chuyên ngành còn lại sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 10/2021.
Theo Người Đưa Tin