Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua kiểm tra đã phát hiện rất nhiều sai phạm liên quan đến nền tảng TikTok tại Việt Nam. Kết quả kiểm tra dự kiến được công bố vào tháng 7.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 5/6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, qua kết quả sơ bộ của đoàn kiểm tra, Bộ đã phát hiện những sai phạm ban đầu của TikTok.
“Phát hiện ban đầu của đoàn kiểm tra giúp xác nhận những nhận định ban đầu về vi phạm pháp luật Việt Nam của nền tảng TikTok là có cơ sở, rất nhiều vi phạm”, Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Nguyễn Thanh Lâm.
Tại cuộc họp ngày 5/6, đại diện Bộ TT&TT không nêu chi tiết những sai phạm nào trong số này đã được đoàn kiểm tra xác nhận do một số nội dung vẫn đang trong quá trình kiểm tra và phải bảo mật và nền tảng còn những sai phạm chưa được ghi nhận trong báo cáo ban đầu hay không.
“Kết quả kiểm tra dự kiến sẽ công bố vào đầu tháng 7”, ông Thanh Lâm cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp báo tháng 4, Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) công bố các đánh giá ban đầu về nội dung và hoạt động bán hàng trên TikTok Việt Nam. Theo đó, nền tảng video ngắn vi phạm về kiểm soát nội dung, thuật toán phân phối và các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh.
Cuộc kiểm tra TikTok bắt đầu từ ngày 15/5, gồm đại diện Bộ TT&TT, Tổng cục Thuế và Bộ Công thương nhằm kiểm tra những sai phạm này.
Theo báo cáo của Cục PTTH&TTĐT tại họp báo tháng 4, các sai phạm của TikTok tại Việt Nam bao gồm không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, lan truyền nội dung độc hại hoặc nguy hiểm với người dùng, không kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Theo báo Tuổi trẻ, bên cạnh việc kiểm tra và phát hiện vi phạm, Bộ TT&TT cũng vừa gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng những người sáng tạo nội dung và những người có ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội, trong đó có nền tảng TikTok.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, ở cuộc gặp này Bộ TT&TT nhằm đến cả 2 mặt. Đó là phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm, dù đó là sai phạm của nền tảng xuyên biên giới hay sai phạm của cá nhân, tổ chức.
Mặt khác là kêu gọi và cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật tới cộng đồng sáng tạo nội dung lành mạnh trên các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài nước, bởi họ có quyền nắm được các thông tin pháp luật để tuân thủ và thực hiện đúng, nhằm đóng góp tích cực tạo nên không gian nền tảng mạng xã hội lành mạnh.
Đồng thời góp phần lên tiếng để các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hiểu rằng, xu hướng lành mạnh, tuân thủ pháp luật là xu hướng lâu dài và giúp họ tồn tại, phát triển khi cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.
Báo Thanh niên đưa tin, về công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, Bộ TT&TT cho biết, từ 15/4 - 15/5, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 399 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 91%); Google đã gỡ 1.901 video vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 94%). TikTok đã chặn, gỡ bỏ 51 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 98%).
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT vẫn tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam. Đồng thời, làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn; tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, Fanpage vi phạm.