Bộ Y tế đề xuất tạm dừng thông báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày

Bộ Y tế nhấn mạnh, đề xuất này nhằm tránh gây hoang mang cho người dân, vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Báo cáo của bộ Y tế cho thấy, so với tháng trước, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), theo VOV.VN.

Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng trước: nhóm 18 - 49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50 - 65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Bộ Y tế nhận định, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128.

Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000 - 75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày và hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

bo y te de xuat ngung cap nhat so ca mac covid 19

Ảnh minh họa. Ảnh: VOV.VN.

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP.Hà Nội và TP.HCM thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của TP.Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron; tại TP.HCM biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.

Trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (từ 29/01/2022 - 28/02/2022), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc. Như vậy nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên.

Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% là cơ bản đáp ứng tiến độ (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng). Đến hết Quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1/2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022.

Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của bộ Y tế theo Hướng dẫn của bộ, theo Nghị quyết 128 và căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.

Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARSCoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Tại quyết định mới nhất về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 do bộ Y tế ban hành, có 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch, gồm:

- Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

- Tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người.

- Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

- Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên điạ bàn.

- Tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao (không chống chỉ định tiêm chủng) trong số đối tượng ở nhóm nguy cơ cao của địa bàn cấp xã.

- Tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã.

- Tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện/100.000 dân tại thời điểm đánh giá.

- Tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân.

Hiện nay, bộ Y tế vẫn công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày vào bản tin lúc 18h. Giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, Bộ công bố số nhiễm liên tục theo 3 bản tin: 6h, 12h, 18h hàng ngày, sau đó giảm dần số lượng. Các tỉnh thành cũng có những bản tin riêng, cập nhật tình hình dịch tại địa bàn mình, theo Vietnamnet.

Theo bản tin mới nhất của bộ Y tế, tính từ 16h ngày 4/3 đến 16h ngày 5/3, cả nước ghi nhận 131.817 ca nhiễm mới. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.232.520 ca nhiễm. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) có thêm 4.225.053 ca do lây nhiễm trong nước. Các địa phương có số nhiễm tích lũy cao nhất: TP.HCM (548.041), Hà Nội (365.456), Bình Dương (308.418), Bắc Ninh (135.181), Quảng Ninh (122.442).

Về tình hình điều trị, tổng số F0 đã chữa khỏi hiện là 2.616.002 trường hợp, còn 1.616.518 F0 đang điều trị. Trong số này, có 4.249 bệnh nhân nặng. Toàn quốc ghi nhận 82 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày 5/3. Tới nay, Việt Nam đã có 40.726 người mắc COVID-19 tử vong, chiếm tỷ lệ 1% trên tổng ca nhiễm.