Bộ Y tế lo nguy cơ "dịch chồng dịch", đề nghị tăng cường biện pháp phòng chống

Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Theo Bộ Y tế dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng mạnh ở nhiều địa phương và sớm hơn năm 2021 do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống SXH thời gian vừa qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: Tại các hộ gia đình nhiều ổ loăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng an toàn; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống SXH.

bo y te lo nguy co dich chong dich de nghi tang cuong bien phap phong chong

Các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc SXH trong tình trạng nặng. (Ảnh: TTXVN)

Trong hơn 2 năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch SXH.

Bộ Y tế dự báo số ca Covid-19 và ca mắc SXH thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo việc huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch...

Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cũng đề nghị sở thông tin và truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, phát tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình...

Tiếp tục truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch "2K" (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.

Việt Hương (T/h)