'Bốc hơi' 66 tỷ đồng sau 5 năm gửi ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn hơn 100 nghìn đồng: Bi kịch từ niềm tin sai chỗ

Một người đàn ông gửi tiết kiệm gần 66 tỷ đồng nhưng trở về sau 5 năm công tác, sốc nặng khi số dư trong tài khoản chỉ còn 120.000 đồng.

Một câu chuyện gây sốc tại Trung Quốc đã khiến dư luận xôn xao: Một người đàn ông gửi tiết kiệm 19 triệu NDT (tương đương 66 tỷ đồng) nhưng khi trở về sau 5 năm công tác, số dư trong tài khoản chỉ còn 120.000 đồng. Tòa án kết luận ngân hàng không có lỗi, nhưng sự thật đằng sau lại đầy cay đắng.

66 tỷ đồng bốc hơi trong im lặng

Năm 2010, ông Trần, một doanh nhân ở tỉnh Chiết Giang, gửi tiết kiệm toàn bộ số tiền 19 triệu NDT vào ngân hàng trước khi sang nước ngoài làm việc. 5 năm sau, ông trở về với kế hoạch rút tiền mở công ty riêng. Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản, số dư chỉ còn 34 NDT, tương đương 120.000 đồng.

Quá sốc, ông Trần yêu cầu ngân hàng sao kê lịch sử giao dịch nhưng bị từ chối. Nghi ngờ có điều bất thường, ông báo cảnh sát vào cuộc điều tra.

Niềm tin đặt sai chỗ

Kết quả điều tra hé lộ: Trong thời gian ông Trần ở nước ngoài, tài khoản của ông đã thực hiện 500 giao dịch rút và chuyển tiền, phần lớn dùng để mua cổ phiếu, sản phẩm tài chính, hoặc chuyển đến tài khoản khác. Điều bất ngờ là người nhận chính là ông Bạch, bạn của ông Trần và cũng là quản lý ngân hàng nơi ông gửi tiền.

Hóa ra, trước khi ông Trần đi công tác, vợ ông đã ký giấy ủy quyền và tiết lộ mật khẩu tài khoản cho ông Bạch. Với lời hứa hẹn lãi suất cao, ông Bạch thường xuyên thuyết phục bà Trần rút tiền để đầu tư. Ban đầu, tài khoản có lãi, nhưng sau đó số tiền dần biến mất. Đến khi ông Trần trở về, ông Bạch đã làm giả báo cáo tài chính, từ chức và bỏ trốn.

tien-gui-ngan-hang-mat-het-1-1735629966.jpg
'Bốc hơi' 66 tỷ đồng sau 5 năm gửi ngân hàng chỉ còn vỏn vẹn hơn 100 nghìn đồng: Bi kịch từ niềm tin sai chỗ. Ảnh minh họa

Tòa án phán quyết: Ngân hàng không có lỗi

Ông Trần đã kiện ngân hàng, yêu cầu bồi thường, nhưng tòa án tuyên bố ngân hàng không có trách nhiệm vì tài khoản không bị hack hay đánh cắp. Việc vợ ông chủ động giao mật khẩu và thẻ cho ông Bạch là yếu tố chính dẫn đến sự việc.

Dù cảnh sát đã bắt được ông Bạch và anh ta bị kết án 15 năm tù, khả năng ông Trần lấy lại số tiền gần như bằng không, bởi ông Bạch không còn khả năng trả nợ.

Bài học đắt giá

Câu chuyện của ông Trần là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự cẩn trọng trong quản lý tài chính cá nhân. Cảnh sát Trung Quốc nhấn mạnh:

Bảo mật tuyệt đối tài khoản ngân hàng.

Không tiết lộ mật khẩu, thẻ ngân hàng cho người khác, kể cả người thân.

Cảnh giác với các lời mời đầu tư lãi suất cao nếu không có đủ kiến thức tài chính.

Minh Khuê (t/h)