Các chuyên gia dự báo, nếu thị trường bất động sản ấm lên, lãi suất huy động giảm xuống mức 6 - 7% vào cuối năm nay hoặc thậm chí không giảm thì nguồn tiền đáo hạn ngân hàng khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường này.
Báo Lao động dẫn lời TS Phạm Anh Khôi, Viện nghiên cứu Kinh tế, tài chính, bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho rằng, nếu lãi suất huy động giảm xuống mức 6 - 7%/năm vào cuối năm nay hoặc thậm chí không giảm thì nguồn tiền đáo hạn ngân hàng khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường này.
“Quý III là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và là cơ hội để quan sát các phản ứng thực tế. Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không”, ông Khôi nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, đến nay, lãi suất đã hạ nhiệt, room tín dụng đã mở, dòng tiền quay trở lại thị trường sẽ tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng có lợi hơn so với gửi tiết kiệm.
Trong số đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản, khả năng bảo toàn vốn khá tốt so với các kênh đầu tư khác.
Đây có lẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định xuống tiền. Bởi nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm trong khi thị trường đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ.
Cùng quan điểm với ông Khôi, ông Đính nhận định rằng, quý III/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn.
"Nếu cứ đà này - thị trường ấm lên, lãi suất huy động giảm, khả năng cao là dòng tiền đáo hạn sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường nhà đất”, ông Đính nhận xét.
Ở góc nhìn của nhà đầu tư, tạp chí VnBusiness dẫn lời anh Vũ Đình Lộc (Hà Nội) cho biết, rất nhiều “tay chơi” vẫn chấp nhận gửi ngân hàng kỳ hạn 3-6 tháng để chờ thị trường chạm đáy, sẵn sàng xuống tiền khi có sản phẩm giá tốt. Tiền không thiếu, chủ yếu giá phải “mềm”.
“Kể từ tháng 3, tôi cùng team của mình đã bắt đầu đi săn sản phẩm “ngộp”. Như vào đầu tháng 6 vừa rồi, chúng tôi rút hơn 3 tỷ đồng, chấp nhận mất khoản lãi từ ngân hàng để mua vào 1 căn hộ cao cấp ở Hòa Lạc, chủ nhà bán lỗ 30% giá gốc để thoát hàng, trả nợ”, anh Lộc tiết lộ.
Thông tin từ các đơn vị môi giới cũng cho thấy, vài tuần gần đây, thị trường bất động sản bắt đầu có giao dịch trở lại, lượng khách hàng quan tâm tìm hiểu đã tăng lên rõ rệt.
Chia sẻ tờ VnEconomy, ông Đặng Quốc Việt, đại diện Sàn giao dịch bất động sản Smartland tại Nghệ An cho biết, kể từ sau khi ngân hàng thực hiện hạ lãi suất, lượng người đến địa phương này, tìm hiểu các sản phẩm tại những dự án có vị trí đẹp, thiết kế độc đáo đã tăng nhanh. Hơn nữa, sự quyết định xuống tiền của nhà đầu tư cũng nhanh và dứt khoát hơn trước. Điều này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu quay lại thị trường.
Ông Tô Hùng, CEO Recbook, trưởng văn phòng đại diện VARS tại Hải Phòng, cho biết số lượng giao dịch thành công của các đơn vị môi giới trên địa bàn đã ngày một nhiều và ổn định hơn. Giá đất nền ở một số khu vực tại Hải Phòng ghi nhận mức tăng giá khoảng 5% so với quý I/2023. Hiện tượng cắt lỗ tại các khu vực từng xảy ra sốt đất đã được thay thế bằng các giao dịch thành công với mức giá bán phù hợp, tạp chí Đầu tư tài chính đưa tin.
Vân Anh (T/h)