Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên-Huế (Ban Chỉ đạo 138) đã phát đi công văn đề nghị các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, địa phương phối hợp thực hiện một số nội dung để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh xử lý các hoạt động lừa đảo này.
Theo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, giải quyết nhiều tin báo liên quan đến hành vi lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có người bị lừa đảo chiếm đoạt lên đến 2 tỷ đồng. Theo đó, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuy không mới nhưng vẫn còn nhiều người dân, kể cả cán bộ công chức trở thành nạn nhân.
Ban chỉ đạo 138 tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã chỉ ra những chiêu trò lừa đảo này với nhiều phương thức, thủ đoạn nổi bật. Điển hình là thủ đoạn giả cán bộ cơ quan chức năng. Cụ thể, những đối tượng này sử dụng các số điện thoại có đầu số lạ: +0084, +067,+066… gọi điện cho nạn nhân giả danh là cán bộ đơn vị viễn thông, bảo hiểm, công an, viện kiểm sát… thông báo nạn nhân nợ cước viễn thông, nợ tiền bảo hiểm, thông báo vi phạm giao thông hoặc thông báo trong tài khoản nạn nhân nhận được hàng tỷ đồng nghi liên quan đến tội phạm (hình sự, ma tuý, rửa tiền…).
Để tạo áp lực, các đối tượng liên tục gọi điện không cho nạn nhân tắt máy hoặc báo cho người khác, sau đó yêu cầu nạn nhân giữ bí mật và trực tiếp đi nộp tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân do chúng chỉ định (để chiếm đoạt), nếu không sẽ ra lệnh bắt, tạm giam…
Cũng có thể, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng có tên “BỘ CÔNG AN”. Giao diện của ứng dụng này có công an hiệu kèm dòng chữ “Bộ Công an” để tạo lòng tin cho nạn nhân. Sau khi cài đặt thành công ứng dụng, điện thoại của nạn nhân bị các đối tượng chiếm quyền điều khiển, một số quyền quan trọng như nhận, đọc, soạn thảo tin nhắn, ghi danh bạ và lịch sử cuộc gọi sẽ bị các đối tượng điều khiển từ xa.
Tiếp đó, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân điền thông tin vào các ô, cột có nội dung cụ thể như: Tên đăng nhập, mật khẩu, họ tên, số CMND, số điện thoại vấn tin tài khoản ngân hàng, số tài khoản, tên ngân hàng… để kiểm tra thông tin nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng thực hiện các lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân sang các tài khoản ngân hàng khác rồi chiếm đoạt mà nạn nhân không hề hay biết.
Ngoài ra, những đối tượng lừa đảo này còn giả danh nhân viên ngân hàng, Lazada, Shopee… gọi điện, nhắn tin cho nạn nhân, thông báo là khách hàng may mắn đã trúng các giải thưởng lớn như: Số tiền lớn, xe máy giá trị cao… rồi yêu cầu nạn nhân nộp các khoản phí để làm thủ tục nhận giải thông qua các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp và chiếm đoạt tiền.
Không chỉ vậy, chúng còn giả danh nhân viên tổng đài, nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel… gọi điện thoại yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp để được chuyển đổi từ mạng 3G thành 4G và nhận quà tặng miễn phí. Sau khi thực hiện yêu cầu này, sim điện thoại của nạn nhân sẽ bị khoá và số điện thoại này sẽ bị chuyển quyền sử dụng sang sim mới của đối tượng. Từ đây, chúng sẽ tiến hành đăng ký các khoản vay trên mạng internet của các công ty tài chính.
Ngoài ra để chiếm quyền sử dụng số điện thoại của người khác, chúng còn sử dụng phương thức là dùng trên 5 số điện thoại khác nhau nhá máy cho điện thoại nạn nhân. Sau khi phát hiện cuộc gọi nhỡ nạn nhân sẽ điện thoại lại. Bước tiếp theo, chúng sẽ sử dụng CMND giả đến các địa điểm giao dịch của nhà mạng lấy lý do mất điện thoại và cung cấp 5 số điện thoại liên hệ gần nhất để làm mới sim. Lúc này, sim điện thoại của nạn nhân sẽ bị khoá và số điện thoại của bị hại sẽ chuyển quyền sử dụng sang sim của đối tượng.
Ngoài ra, những đối tượng lừa đảo này còn sử dụng các phương thức, thủ đoạn như: Giả danh người nước ngoài thành đạt ở nước ngoài, sử dụng đường link lạ để thu thập thông tin tài khoản ngân hàng, mạng xã hội… Đặc biệt, chúng còn dùng thủ đoạn tinh vi để lôi kéo nạn nhân vay tiền qua mạng internet bằng cách tải, cài đặt các ứng dụng trên điện thoại, dụ dỗ tham gia các hình thức đầu tư tài chính trá hình hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến những phương thức, thủ đoạn lừa đảo này, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo các cấp, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa với mọi hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đồng thời khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Cảnh giác trước các điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; tuyệt đối không chụp ảnh và cung cấp các thông tin như họ tên, số CMNN/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền cho người không quen biết qua mạng internet; không giao dịch tài sản với những người không biết rõ nhân thân, lai lịch; không kích vào các đường link lạ được chia sẻ trên mạng internet; khi nhận được yêu cầu mượn tiền của người thân qua mạng xã hội, messenger… cần phải gọi điện thoại để xác nhận; khi nhận các cuộc gọi có mã vùng quốc tế cần rà soát các mối quan hệ ở nước ngoài để kiểm chứng; không nghe lời yêu cầu, dụ dỗ của các đối tượng trên mạng xã hội cài đặt các ứng dụng trên điện thoại để vay tiền qua mạng internet; đối với tài khoản Facebook, Zalo, Gmail… cần phải đặt mật khẩu và xác thực nhiều lớp để phòng bị các đối tượng lạ chiếm quyền sử dụng.
Theo Người Đưa Tin