Báo cáo về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) quý III, Bộ Xây dựng cho biết, BĐS công nghiệp vốn là phân khúc tiềm năng của thị trường BĐS, do Việt Nam đang dần trở thành “bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đặc biệt là quý III vừa qua, việc tái bùng phát dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp đã khiến thị trường này trở nên chao đảo.
Hoạt động giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, xuất nhập khẩu đình trệ khiến một số doanh nghiệp phải chuyển dịch đơn hàng khỏi Việt Nam để ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Điều đáng nói là tuỳ vào mức độ ảnh hưởng của Covid-19, BĐS công nghiệp hình thành nên những bức tranh khác nhau giữa hai miền Bắc – Nam.
Tại phía Nam, do ảnh hưởng nặng hơn từ dịch bệnh với số ca nhiễm F0 tăng cao, thị trường cũng trở nên trầm lắng, không có nguồn cung mới và giá thuê không tăng. Toàn thị trường không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý ở cả lĩnh vực đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Tỷ lệ lấp đầy khoảng 85 - 87%.
Trong khi đó, do kiểm soát dịch tốt hơn, thị trường phía Bắc vẫn ghi nhận sôi động cùng nhiều nguồn cung mới, giá thuê trở lại đà tăng nhanh. Giá đất công nghiệp trung bình toàn khu vực miền Bắc đạt 108 USD/m2, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê nhà xưởng sản xuất cũng duy trì đà tăng ở mức 4,7% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 4,6 USD/m2 mỗi tháng.
Nguồn cung mới tại miền Bắc được ghi nhận chủ yếu từ khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh), khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, thị trường ở các tỉnh như Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng có nhiều dự án lớn.
Bộ Xây dựng đánh giá, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực, các hiệp định thương mại tự do đa dạng và những cam kết của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng. Vì vậy, khi dịch sớm được kiểm soát, BĐS công nghiệp sẽ là “điểm sáng” của thị trường.
Theo Người Đưa Tin