Ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn: "Tôi tự hào có thể sống thảnh thơi bằng nghề” 

Ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn kể chuyện tròn 1 thập kỷ khắc khoải, kiên trì với âm nhạc truyền thống ở “Con đường âm nhạc”.

Chương trình Con đường âm nhạc số mở màn năm 2023 diễn ra 20h ngày 2/4 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV1 sẽ khắc hoạ sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ- Tiến sĩ âm nhạc, Phó trưởng khoa thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Tân Nhàn. 

Chương trình được thực hiện bởi phòng Ca nhạc ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam, đạo diễn Phạm Thành Long.  Khách mời của chương trình là NSƯT Đình Cương- người thầy dạy hát văn của Tân Nhàn và Tiến sĩ âm nhạc - Sao mai Thu Hà, người bạn thân thiết đã đồng hành cùng Tân Nhàn từ thuở hàn vi và đã thực hiện cùng Tân Nhàn nhiều sản phẩm âm nhạc.  Lần đầu tiên trong chương trình “Con đường âm nhạc”, MC dẫn dắt sẽ gồm hai MC kỳ cựu là Mỹ Vân và Anh Tuấn.

ca-si-tien-si-am-nhac-tan-nhan-toi-tu-hao-co-the-song-thanh-thoi-bang-nghe-4-1679631758.jpg

Ca sĩ, Tiến sĩ Tân Nhàn.

 

Nói về việc lựa chọn ca sĩ - Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn làm nghệ sĩ mở đầu cho chương trình năm 2023, MC Mỹ Vân cho biết: “Con đường âm nhạc ra đời để vinh danh những nghệ sĩ có hoạt động nghệ thuật sôi nổi, có cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Tân Nhàn là một nghệ sĩ đáp ứng được tất cả tiêu chí đó. 

Tiếng hát của Tân Nhàn không chỉ được giới chuyên môn công nhận mà còn đi sâu vào lòng quần chúng nhiều thế hệ. Âm nhạc của Tân Nhàn mang âm hưởng dân gian nhưng hòa quyện với hơi thở thời đại, rất dễ nghe, dễ cảm, dễ thấm. Tiếng hát của Tân Nhàn có độ phủ sóng rất lớn. Phong độ trong nghề ổn định, luôn có chiều hướng đi lên. 

Qua sự theo dõi của Vân, thì trong suốt chặng đường sự nghiệp, Tân Nhàn luôn nỗ lực làm mới mình, không bao giờ vừa lòng với những gì đã có. Nhờ đó mới có một Tân Nhàn giàu cống hiến và có một vị trí vững vàng trong làng nhạc Việt như hôm nay. Vì thế ban biên tập quyết định chọn Tân Nhàn là người mở màn cho “Con đường âm nhạc” năm 2023 - một năm dự báo làng nghệ thuật Việt sẽ có những hoạt động nghệ thuật rất sôi động, nhiều cống hiến”.

Chương trình “Con đường âm nhạc - Tân Nhàn” được chia thành 2 phần rõ rệt, 50% chương trình là những ca khúc mang âm hưởng dân gian mà Tân Nhàn hát thành công nhất, đưa tên tuổi Tân Nhàn từ Giải Nhất Sao mai 2005 nhanh chóng đến với công chúng và trở thành một trong những giọng hát hàng đầu trong dòng nhạc này như Trăng khuyết (Huy Thục), Ở hai đầu nỗi nhớ (Phan Huỳnh Điểu), Tình đất (Tuấn Phương), Hai quê (Đinh Miên Vũ). 

50% còn lại là âm nhạc truyền thống như Đào liễu, Duyên phận phải chiều (chèo cổ), Tương phùng tương ngộ (dân ca quan họ Bắc Ninh), Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Cô đôi thượng ngàn (hát văn) - những bài dân ca nổi bật thuộc các mảng âm nhạc truyền thống di sản của Việt Nam. 

Sinh ra ở Hà Nam - vùng quê giàu truyền thống, những làn điệu dân ca, hát chèo, hát xẩm ngấm vào Tân Nhàn lúc nào không biết. Cô gái sinh năm 1982 yêu hát từ nhỏ, khi thi vào Nhạc viện Tân Nhàn vẫn học kỹ thuật phương Tây nhưng hát các ca khúc âm hưởng dân gian. 

Khi sự nghiệp tạm ổn định, Tân Nhàn lập tức tìm về âm nhạc truyền thống với album “Yếm đào xuống phố” kết hợp cùng nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng năm 2013, đem xẩm, chèo, quan họ phối khí trên nền nhạc Jazz. Một cách hát âm nhạc truyền thống thân quen đấy nhưng mới lạ, đầy hơi thở thời đại đã đưa các bài dân ca truyền thống xuống phố, len lỏi giữa những chật chội của phố phường để vang lên. “Yếm đào xuống phố”, Tân Nhàn vấp phải nhiều tranh cãi. 

“Lúc đó nhiều người cho rằng cách làm của Tân Nhàn quá khó nghe, những người thuộc thế hệ cũ và yêu âm nhạc truyền thống không chấp nhận điều ấy. Thế nhưng đĩa đó được đề cử giải Cống Hiến, hạng mục Album của năm, như một sự ghi nhận cống hiến, sáng tạo của Tân Nhàn trong nỗ lực vinh danh âm nhạc truyền thống theo cách của mình” - Tân Nhàn nhớ lại. Và, dù có tranh cãi thì album đã được truyền thông đánh giá là đã góp phần hồi sinh lại âm nhạc truyền thống đang bị quên lãng giữa sự hội nhập văn hóa thế giới như vũ bão lúc bấy giờ. 

Sau thành công của album, Tân Nhàn có một sự chuyển mình rất khéo léo, tinh tế khi cô kéo người nghe đã và đang quen tai nghe âm nhạc truyền thống theo cách mới ở “Yếm đào xuống phố” về lại với lối hát hoàn toàn cổ như các nghệ nhân với “Níu dải lụa đào” năm 2018. Album cho thấy sự khắc khoải với âm nhạc truyền thống một cách rõ nét của Tân Nhàn. Cô đã dành nhiều thời gian để lặn lội đi xin học hoặc nghe lại băng tư liệu của các nghệ nhân như nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đình Cương … để có thể hát được lối cổ. 

Tân Nhàn cho rằng, âm nhạc truyền thống chính là gốc rễ của văn hóa, là cái nôi của sự phát triển, vì vậy, dù có phát huy, phát triển đến đâu thì cô vẫn muốn người nghe không được quên những câu ca cổ. Đó chính là hồn cốt của dân tộc. “Níu dải lụa đào” được ra đời trong tâm thế như vậy. 

Và rồi từ đây, Tân Nhàn lại tiếp tục tung tẩy biến tấu, phát triển âm nhạc truyền thống theo nhiều cách khác biệt qua liveshow “Trở về” hay các MV gần đây như “Ngãi mẹ sinh thành”…, để nói lên giá trị và tầm vóc của âm nhạc truyền thống có thể mở ra những hướng phát triển bất tận, có thể hòa nhập với xu hướng âm nhạc đương đại phù hợp với thế giới mà vẫn giữ vẹn nguyên hồn dân tộc. 

ca-si-tien-si-am-nhac-tan-nhan-toi-tu-hao-co-the-song-thanh-thoi-bang-nghe-9-1679631758.jpg

Nữ Tiến sĩ Tân Nhàn nặng lòng với âm nhạc truyền thống.

 

Đưa được âm nhạc truyền thống lên sân khấu lớn với dàn nhạc tổng hợp lớn gồm dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc điện tử và dàn nhạc dân tộc cùng cách trình diễn mới trong “Trở về”, đưa được bài xẩm dân gian được hòa âm phối khí đương đại với dàn nhạc giao hưởng lớn như “Ngãi mẹ sinh thành” lên các nền tảng âm nhạc quốc tế, đưa âm nhạc truyền thống ra ngoài lãnh thổ Việt Nam bằng cách nghe của thế giới, Tân Nhàn phần nào thoả mãn ước mơ với âm nhạc truyền thống của mình, ước mơ góp sức chấn hưng âm nhạc dân tộc và quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam bằng âm nhạc đến với thế giới. 

Tròn 1 thập kỷ đeo đuổi, tâm huyết, nỗ lực hết mình, con đường của Tân Nhàn với âm nhạc truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng cô luôn kiên trì và xác định đó chính là sứ mệnh, là đóng góp nhỏ bé của người nghệ sĩ đã được Tổ nghiệp yêu thương, cho cô những hào quang của nghề nghiệp, và cô dâng tặng những đóng góp này cho nỗ lực bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống nói riêng, văn hóa của dân tộc nói chung. 

Trên con đường âm nhạc của Tân Nhàn, có một khía cạnh không thể không nhắc đến, và cũng là khía cạnh mà Tân Nhàn đặc biệt coi trọng trong sự nghiệp của mình,  đó là sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Không chỉ là nghệ sĩ nổi danh, Tân Nhàn còn là Phó trưởng khoa Thanh nhạc Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô từng đào tạo ra nhiều tài năng cho âm nhạc Việt Nam, nhiều học sinh của cô đã giành giải âm nhạc lớn trong nước và quốc tế. 

Có thể kể đến như Lại Thị Hương Ly - Cúp vàng Festival âm nhạc Châu Á Thái Bình Dương 2017, Giải 3 Sao mai 2017 dòng nhạc Thính phòng, Giải nhất huy chương Vàng Tài năng trẻ các trường nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc-2017, Giải nhì cuộc thi Kyushu music Concour 2018 tại Nhật Bản năm 2018; Nguyễn Thị Thanh Quý - Top 3 sao mai toàn quốc 2019, Á quân tuyệt đỉnh song ca 2018, Huy chương Bạc tài năng trẻ toàn quốc 2016; Phạm Thùy Linh - Giải Nhì cuộc thi Liên hoan âm nhạc hát về Bắc ninh 2020, Lan Quỳnh- Giải Nhất Sao mai dòng nhạc thính phòng 2022...

Nhiều người từng hỏi Tân Nhàn muốn trở thành Nghệ sĩ Nhân dân hay Nhà giáo Nhân dân, Tân Nhàn bảo, ước muốn của cô là được trở thành Nhà giáo Nhân dân. Với Tân Nhàn, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là vinh dự của người nghệ sĩ, nhưng Nhà giáo Nhân dân mới thực sự là khát vọng, là đích đến cho sự nghiệp của cô. 

ca-si-tien-si-am-nhac-tan-nhan-toi-tu-hao-co-the-song-thanh-thoi-bang-nghe-7-1679631855.jpg

Tân Nhàn muốn trở thành Nhà giáo Nhân dân hơn là Nghệ sĩ Nhân dân.

 

Năm 2019, Tân Nhàn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đào tạo thanh nhạc, trở thành Tiến sĩ âm nhạc trẻ nhất Việt Nam ở thời điểm đó. Đó là một nỗ lực không mệt mỏi của Tân Nhàn để vị trí người thầy được vững chắc hơn. Gần 20 năm trong nghề nhưng Tân Nhàn mới chỉ thực hiện hai liveshow năm 2013 và năm 2019 vì dành nhiều thời gian cho học tập và đào tạo. Điều đó đã chứng minh Tân Nhàn đặt ưu tiên của mình lên công việc người thầy. 

Bên ngoài câu chuyện về âm nhạc, về nhiệt huyết trong vai trò người thầy, Tân Nhàn không giấu chuyện mình may mắn là một trong số những nghệ sĩ dòng nhạc dân gian có thể sống bằng nghề một cách rất thảnh thơi. 

Tôi không giấu rằng mình có mức thù lao tốt trong những nghệ sĩ dòng nhạc chính thống, nên có thể sống đàng hoàng với nghề và đủ sức để đầu tư cho nghệ thuật. Một tháng không cần chạy show 30 ngày, chỉ chạy show 3 ngày tôi cũng có thể nuôi sống mình và nuôi nghề. Chính bởi may mắn như vậy, nên tôi muốn được cống hiến hết mình cho lý tưởng, tham vọng mà mình theo đuổi. Tôi sẽ tiếp tục con đường tôn vinh, chấn hưng âm nhạc truyền thống và cống hiến hết tâm sức của mình cho các thế hệ học trò- tương lai của nền nghệ thuật nước nhà” – Tân Nhàn bộc bạch.