Cận cảnh nước lũ tại cầu Chương Dương và cầu Long Biên

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, lượng nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về khiến cho mực nước tại khu vực cầu Long Biên và cầu Chương Dương dâng cao "nuốt chửng" nhiều bãi bồi.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường duy tu, tiến hành các biện pháp xử lý đối với các công trình cầu yếu, cầu tạm có nguy cơ mất an toàn.

Cận cảnh nước lũ tại cầu Chương Dương và cầu Long Biên- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng Thành phố. Hà Nội đang điều tiết giao thông.

Để ứng phó tình trạng mưa lũ thiên tai ngay từ tháng 7, Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương tổ chức tổng rà soát hệ thống công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn Thành phố.

Kết quả rà soát các công trình cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn Thành phố cho thấy, còn tồn tại khoảng 89 cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Cận cảnh nước lũ tại cầu Chương Dương và cầu Long Biên- Ảnh 2.

Toàn cảnh cầu Long Biên và cầu Chương Dương.

Bên cạnh đó, nhiều công trình cầu hiện hữu không có hồ sơ quản lý, hồ sơ hoàn công, không có hồ sơ kiểm định dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi chung.

Để bảo vệ cầu yếu từ trước mùa mưa bão, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông và tiến hành các biện pháp xử lý đối với các công trình cầu yếu, cầu tạm có nguy cơ mất an toàn khi khai thác sử dụng. Đặc biệt, bổ sung biển cảnh báo, hạn chế tải trọng, trong trường hợp cần thiết tiến hành ngay việc tạm dừng khai thác để sửa chữa khắc phục.

Cận cảnh nước lũ tại cầu Chương Dương và cầu Long Biên- Ảnh 3.

Lũ từ thượng nguồn đổ về khiến cho mực nước tại khu vực cầu Long Biên dâng cao. Theo quan sát của Người Đưa Tin, mực nước sông Hồng chỉ cách mặt cầu vài mét.

Cận cảnh nước lũ tại cầu Chương Dương và cầu Long Biên- Ảnh 4.

Mực nước sông Hồng tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên đã dâng lên rất cao. Ảnh: Ngọc Tân.

Sở GTVT Hà Nội đồng thời yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm định, kiểm tra đối với tất cả công trình cầu đang khai thác, quản lý đảm bảo chu kỳ kiểm định cầu đường bộ; quy trình kiểm định cầu trên đường ô tô; tiêu chuẩn Quốc gia về đánh giá tải trọng khai thác cầu đường bộ.

Trên cơ sở kết quả kiểm định đưa ra phương án xử lý kịp thời khi phát hiện sự cố cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư mới.

Cận cảnh nước lũ tại cầu Chương Dương và cầu Long Biên- Ảnh 5.

Khu vực 2 bên cầu Chương Dương nước dâng lên rất cao đã nhấn chìm nhiều bãi bồi.

Sở GTVT cũng đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí cân đối nguồn lực để đầu tư, cải tạo sửa chữa, thay thế các công trình cầu yếu, cầu tạm theo phân cấp quản lý; chủ động phối hợp chặt với Sở Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất danh mục, kinh phí thành phố hỗ trợ cho địa phương thực hiện cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới theo thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực.

Cận cảnh nước lũ tại cầu Chương Dương và cầu Long Biên- Ảnh 6.

Dòng nước lũ đục ngầu đổ về từ thượng nguồn khiến nhiều nơi bị ngập úng.

Sở GTVT đề xuất địa phương trong quá trình nghiên cứu thực hiện đầu tư, sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới công trình cầu có thể nghiên cứu tham khảo một số mẫu thiết kế điển hình trụ, dầm cho các kích thước khẩu độ cầu khác nhau để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thực hiện. Các khó khăn, vướng mắc nảy sinh liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành trong quá trình tổ chức thực hiện cần tổng hợp, phản ánh kịp thời về Sở GTVT để được hướng dẫn, tháo gỡ.