Diễn biến phức tạp
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, đã có gần 1100 vụ, hơn 500 bị can bị khởi tố tại các địa phương do liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Thời điểm cuối năm cũng sẽ là lúc tín dụng đen diễn biến phức tạp hơn.
Nhiều năm qua, lực lượng công an đã đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt nhưng do lợi nhuận lớn nên các đối tượng vẫn tìm đủ mọi cách tiếp tục hoạt động “tín dụng đen” với nhiều chiêu trò và thủ đoạn tinh vi. Nhiều người sập bẫy nhưng số nạn nhân vẫn không giảm qua các năm.
Mới đây, ngày 4/12, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) vừa triệt phá ổ nhóm hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, do Đào Xuân Thắng (SN 1990, trú ở huyện Nhà Bè, TP. HCM là đối tượng có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) cầm đầu.
Theo hồ sơ vụ án, nhiều đối tượng trong ổ nhóm này có gốc Hải Phòng, đã di chuyển vào các tỉnh phía Nam và TP. HCM để “lập nghiệp” bằng nghề cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Băng nhóm do Đào Xuân Thắng cầm đầu (Ảnh: Cơ quan công an cung cấp).
Trước đó, một ổ nhóm 13 đối tượng có hoạt động vay lãi nặng tại địa bàn Hà Nội cũng đã bị Cục CSHS xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá. Nhóm này do Trần Trung (tức Trung “trọc”) là đối tượng đã có 2 tiền sự và 1 tiền án cầm đầu. Các đối tượng trong ổ nhóm đều hoạt động theo sự phân công vai trò rõ ràng. Khi khách hàng nào đến hạn mà chưa trả, Trung “trọc” chỉ đạo đàn em đến tận nhà khách hàng chửi bới, gây sức ép hoặc ngồi chây ỳ đến khi nào khách trả tiền mới chịu về. Theo từng nhiệm vụ, Trung trả công cho đàn em từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng.
Nhiều vụ việc trước đó cũng liên quan đến tín dụng đen cho thấy, đây là vấn nạn cần dẹp bỏ triệt để.
Vay nhưng không mảy may trả nợ
Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, hoạt động của các tổ chức tín dụng đen là vấn nạn đã tồn tại từ lâu. Thực trạng này không chỉ ở thành thị mà gần đây còn tràn về các khu vực nông thôn, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
ĐBQH Phạm Văn Hòa đã nhiều lần nêu tại Quốc hội về thực trạng tín dụng đen và giải pháp.
“Hiện nay, tôi được biết có những lao động nghèo mất việc do Covid-19 đã liều mình tìm đến tín dụng đen để có tiền trang trải cho cuộc sống trước mắt.
Tuy nhiên, hiện tượng này xuất hiện tùy nơi, tùy thời điểm, không phải ai cũng có đủ máu “liều” để tìm đến tín dụng đen. Nhiều trường hợp vay vẫn trả lãi, trả gốc đầy đủ, đúng hạn.
Điều đáng lên án ở đây là những trường hợp khi người vay không trả được tiền đúng hạn thì các băng nhóm trên đã tìm cách khủng bố tinh thần, uy hiếp người thân để đòi nợ. Có nhiều vụ việc đòi nợ bất chấp cả pháp luật đã được báo chí thông tin. Với những trường hợp này, nhất thiết phải báo cáo cơ quan bảo vệ pháp luật để họ vào cuộc xử lý”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Vị ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, cần nhìn nhận một cách công bằng và đa chiều trong vấn nạn tín dụng đen hiện nay để có giải pháp phù hợp. Trong mối quan hệ vay – nợ này, khi cho vay, cả hai bên đều đã có những điều khoản, thỏa thuận và người vay chấp nhận mọi yêu cầu của bên cho vay, kể cả lãi cao “cắt cổ”. Đó không phải sự lừa gạt mà là quy luật cung cầu: Người đi vay cần tiền, người cho vay ra giá.
“Vay bao nhiêu họ cũng chấp nhận, nhưng đến lúc trả thì không thể gánh nổi, rồi trốn nợ và hệ lụy xảy ra. Tôi cho rằng vấn nạn tín dụng đen cần lên án và kiên quyết loại bỏ, nhưng cũng phải xem xét lại kế hoạch tiêu dùng của các cá nhân trong mối quan hệ vay nợ tín dụng đen. Không thể chấp nhận những người đi vay nhưng lại không có ý thức trả nợ, không lường trước được kế hoạch tiêu dùng của bản thân mình. Cho dù có nghèo khổ, khó khăn, nhưng phải tùy sức mình mà vay số tiền bao nhiêu trong khả năng có thể trả. Chứ vay quá sức trả nợ rồi cùng đường đi trốn thì hệ quả là khó tránh khỏi.
Theo quan điểm của tôi, xóa sổ tín dụng đen là cần thiết, nhất là khi họ dùng các biện pháp khủng bố đòi nợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người khác và an toàn, an ninh trật tự xã hội. Nhưng người đi vay cũng phải có ý thức để trả nợ đúng hạn, không nên “bần cùng sinh đạo tặc”, chỉ biết vay chi tiêu chơi bời rồi không mảy may chuyện trả nợ. Chưa kể, nhiều người còn vay tiền không vì mục đích tốt đẹp mà nướng vào các cuộc chơi trác táng, thậm chí cờ bạc… Vay mà muốn quỵt thì càng không chấp nhận được”.
Nói về giải pháp góp phần dẹp bỏ vấn nạn tín dụng đen, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề xuất: “Nhà nước cần tăng chi các gói hỗ trợ cho lao động nghèo, lao động mất việc, nhất là trong đại dịch Covid-19 như hiện nay để tạo điều kiện về công ăn việc làm cho người lao động vượt qua được những cám dỗ và không rơi vào tình cảnh bết bát.
Thêm nữa, mỗi người cũng đều phải ý thức rõ về bản thân mình. Tôi thấy nhiều người đi bán vé số, lao động chân tay vẫn cần mẫn hằng ngày và đủ chi tiêu trang trải cuộc sống. Còn có một bộ phận tư tưởng “ngồi mát ăn bát vàng”, tìm đến các khoản vay mà không muốn trả, không lo công ăn việc làm rồi không có tiền trả và trốn nợ, khiến tình hình xã hội thêm phức tạp. Do đó, tự bản thân mỗi người cũng cần biết mình như thế nào trước khi muốn vay nợ”.