Cặp vợ chồng này từng thuê căn hộ một phòng ngủ ở trung tâm thành phố Sydney với giá 650 AUD mỗi tuần (10,6 triệu đồng). "Thật quá đáng khi mất số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng chỉ để trả tiền căn nhà mãi mãi không là của mình", Mattia, hiện là giám đốc một công ty truyền thông, nói. Họ quyết định phải tằn tiện và tích cóp để có thể mua được một căn nhà càng sớm càng tốt.
Suốt 5 năm qua, bữa ăn hàng ngày của anh Mattia, 30 tuổi và vợ là một tách cà phê tự làm vào bữa sáng; salad, cơm cá ngừ cho bữa trưa và tối, thi thoảng họ đổi bữa bằng món mỳ. Chi phí cho mỗi bữa ăn như vậy chỉ mất 2,5 AUD (40 nghìn đồng).
Để có hoa quả, Mattie đi canh những lúc siêu thị gom những quả "không hoàn hảo" vào một khu, bán với giá chưa đến 2 AUD.
Nhờ thực đơn kỳ quặc này, cặp vợ chồng đã thêm được 20 AUD mỗi ngày vào ngân sách tiết kiệm so với việc đi ăn ngoài. Tháng 12 năm ngoái, họ đủ tiền đặt cọc căn nhà 1,15 triệu đô và nhận chìa khóa một căn hộ ở Darlinghurst, nội thành Sydney.
Cặp vợ chồng thấy may mắn bởi từ khi Covid-19 bùng phát, họ tiết kiệm được thêm 6.000 AUD nhờ làm việc tại nhà và không tốn chi phí đi lại. Không đi chơi hay ăn uống, cặp vợ chồng tiếp tục dành khoản này trả dần tiền mua nhà.
"Thật nhẹ nhõm khi có nhà để ở giữa đại dịch", Mattia cho biết.
Một nghiên cứu từ UBank cho thấy ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Millennials (người sinh 1980-2000) coi tiết kiệm tiền mua nhà là mục tiêu chính của mình sau đại dịch. Nghiên cứu của ngân hàng NAB cho thấy, 44% Millennials cho biết mua bất động sản là một trong hai mục tiêu tiết kiệm hàng đầu của họ trong 5 năm tới.
Bà Philippa Watson, giám đốc điều hành của UBank cho biết những người trẻ Australia ý thức về vấn đề tiết kiệm hơn bất kỳ thế hệ nào khác. "Có mối tương quan trực tiếp giữa việc lập ngân sách chi tiêu và đạt được các mục tiêu tài chính. Thật ấn tượng khi rất nhiều người trẻ ở Australia đang quản lý tốt tiền bạc", bà nhận định.