XEM VIDEO: Nghệ sĩ Thành Lộc nói về gameshow.
Từ “kép tỉnh lẻ” đến ngôi sao sân khấu hát bội, được bầu Thắng mến mà gả cho con gái
NSND Thành Tôn (1917–1997) là một trong những tượng đài lớn của sân khấu hát bội Nam Bộ. Ông sinh ra tại vùng đất Vĩnh Long, trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm nghệ thuật. Theo lời kể của NSƯT Thành Lộc – con trai NSND Thành Tôn: “Ba tôi vốn xuất thân từ đất Vĩnh Long, ông cố là Nguyễn Văn Sĩ, ông nội là Nguyễn Văn Luông, thân phụ là Nguyễn Văn Nở (bầu Nở) đều là nghệ sĩ hát bội. Tính ra ba tôi là đời hát bội thứ tư”.
Ngay từ nhỏ, Thành Tôn đã học nghề trong gánh hát gia đình – Phước Long Ban, nơi ông nội ông làm bầu gánh. Tuy là gánh hát của người thân nhưng ông vẫn phải theo đúng quy trình nghiêm ngặt: Từ quân hầu, quân canh đến chạy hiệu, rồi mới được giao vai kép con khi 17 tuổi.
Hình ảnh anh em Bạch Long - Thành Lộc bên cha mẹ.
Sau này, khi gánh hát tan rã vì thời thế và khán giả dần chuộng cải lương, Thành Tôn không nản lòng. Ông gia nhập các đoàn hát khác như Thạnh Hưng Ban, rồi quyết định khăn gói lên Sài Gòn – nơi ông muốn được nổi danh ở một sân khấu lớn hơn. NSƯT Thành Lộc kể: “Tuy là con nhà nòi nhưng ba tôi cho rằng mình cũng không thoát khỏi cái mác kép hát tỉnh lẻ. Ông muốn mình phải nổi danh ở thành phố lớn. Vì vậy, ông quyết khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp”.
Tại Sài Gòn, ông gia nhập gánh Minh Tơ của bầu Thắng – người sau này là ông ngoại Thành Lộc. Chính vì mến tài đức của Thành Tôn mà ông bầu Thắng gả người con gái thứ tên Huỳnh Mai cho ông. Ông nhanh chóng nổi bật nhờ lối diễn dứt khoát, dạn dĩ và khí chất trượng nghĩa.
NSND Thành Tôn xuất thân từ gia đình có bề dày nghệ thuật.
Bởi lẽ các gánh hát lục tỉnh lúc ấy thường xuyên va chạm với du côn, cường hào, nên nghệ sĩ Thành Tôn học võ để tự vệ. “Ông còn nói nghệ sĩ Sài Gòn kiêu kỳ lắm, ông thì thân cô thế cô, thế nên việc đầu tiên là ông giắt cây... mã tấu theo, phòng khi bị bắt nạt”, Thành Lộc từng tiết lộ.
Không chỉ là người nghệ sĩ tài năng, ông còn là một nhà giáo truyền nghề nghiêm túc. Ông không giấu nghề như nhiều người thời đó. Ông cho rằng, nghề hát bội từ đời này sang đời khác vốn đã rơi rớt, mai một ít nhiều, nếu giấu nghề thì nó sẽ mai một luôn. Ông cũng rất yêu cầu cao với con cái theo nghệ thuật. NSƯT Thành Lộc nhớ lại câu nói của cha: "Đã làm nghệ sĩ là phải nghệ sĩ giỏi, không được nghệ sĩ trung bình”.
Mẹ của NSƯT Thành Lộc cũng là nghệ sĩ - Huỳnh Mai - con gái của bầu Thắng.
Người cha trượng nghĩa "không ngán một ai"
Tính cách của NSND Thành Tôn nổi tiếng ngang tàng, khẳng khái, luôn bênh vực kẻ yếu. “Hễ nghe có tin nghệ sĩ bị đánh hay hiếp đáp ở đâu là dù đang ngủ ông cũng bật dậy, quơ cây mã tấu chạy tới liền”, theo tiết lộ của con trai. Đó không phải chỉ là sự nóng tính, mà là sự trung nghĩa đầy bản sắc của một người nghệ sĩ Nam Bộ xưa.
Trong mắt các đồng nghiệp và hậu bối, ông là người thẳng thắn, công tâm. NSƯT Hữu Danh từng kể lại: “Bác Thành Tôn hay nói: ‘Trong nghề này tôi không ngán một ai, chỉ nể anh Hai Thoại (nghệ sĩ Hữu Thoại)’”. Một lần, chính ông dẫn Hữu Danh và anh trai – nghệ sĩ Hữu Nhi đến thăm một người phụ nữ già yếu ở gần đình Cầu Quan. Người đó từng là nhân vật quan trọng trong cuộc đời nghệ sĩ Hữu Thoại, nhưng cả hai anh em Hữu Danh không hề biết cho đến khi được Thành Tôn kể lại.
Thành Lộc nhớ nhiều câu chuyện về người cha trượng nghĩa.
Trong lúc người đàn bà đó nằm trên giường bệnh, Thành Tôn gọi: “Chị Hai à, con của Hai Thoại nè. Không có chị thì không có tụi nó”. Lời nói đầy nhân hậu ấy khiến những người có mặt xúc động. Câu chuyện ấy cho thấy, ngoài nghệ thuật, Thành Tôn còn là người rất trọng tình nghĩa.
Trong chuyên môn, ông nổi tiếng với những vai kinh điển như Châu Sáng, Triệu Tử Long, Lý Bá Huề, Lôi Nhược, Trình Giảo Kim... Không chỉ là diễn viên, ông còn là soạn giả tuồng, góp phần cải tiến kịch bản để phù hợp với khán giả thời mới. Ông từng sáng lập Ban Vân Hạc trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn và là một trong những người đặt nền móng cho Đoàn Hát bội TP.HCM sau năm 1975.
NSƯT Thành Lộc và các anh chị em được hưởng gene nghệ thuật từ cha mẹ và dòng họ.
Một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất là những ngày cuối đời của ông, khi đã bị teo não và phải nằm viện. Khi nghệ sĩ Kim Thanh đến thăm và nói: “Sư phụ ơi, cứu con với. Người ta giao cho con vai Châu Sáng mà con e mình đảm đương không nổi”. Chỉ một lời như thế, ông lập tức bật dậy, đi đường siêu Châu Sáng để truyền lại. Nghệ sĩ Kim Thanh vừa lĩnh hội đường siêu vừa rớt nước mắt. Chưa đầy một tuần sau, ông qua đời – khép lại cuộc đời một nghệ sĩ sống trọn vẹn cho sân khấu và đồng nghiệp.
Sau này, 6 người con của ông là Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lưu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc đều là những nghệ sĩ thành danh trong các lĩnh vực kịch nói, cải lương, tuồng cổ… Họ tiếp nối con đường “ăn cơm tổ” của dòng tộc mình, trở thành thế hệ kế thừa xứng đáng cho di sản nghệ thuật mà cha ông để lại.
Gia đình nghệ sĩ Thành Lộc có nhiều người nổi tiếng.