Chỉ thay đổi một việc, người đàn ông mắc ung thư giai đoạn cuối bất ngờ sống thêm 32 năm, thọ 98 tuổi

CTV
Trở về quê hương, cụ ông 66 tuổi tưởng rằng sẽ sớm chết sau 9 tháng nhưng kết quả là ông đã sống tới 98 tuổi.

Khi ông Stamatis Moraitis 66 tuổi, các bác sĩ nói rằng ông chỉ còn sống thêm từ 6 đến 9 tháng sau khi được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối. 

Sau nhiều năm làm việc và xây dựng gia đình ở Mỹ, ông Moraitis quyết định trở về quê hương Ikaria cùng với vợ vì tổ chức tang lễ ở Mỹ sẽ quá tốn kém. "Hãy để tôi được chôn cất bên cạnh gia đình, bên bờ biển, với người thân mà không phải tốn quá nhiều tiền", ông Stamatis nghĩ. 

Ông Stamatis Moraitis được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối khi 66 tuổi nhưng đã sống tới 98 tuổi.

Sau khi trở về Ikaria, ông bắt đầu vận động nhiều hơn, hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng làn nước trong xanh, uống loại rượu truyền thống và quyết định làm vườn. Ông đã trồng một vườn nho ở sân sau với hy vọng ngay cả khi ông đã qua đời, vợ vẫn sẽ nhớ đến ông khi nhìn vườn nho.

Thế nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, sau 9 tháng ông Moraitis vẫn sống và thậm chí còn thấy khỏe khoắn hơn, ông nhận ra bản thân có thể vẫn còn nhiều thời gian để sống. Và quả thực, ông đã sống thêm 32 năm và qua đời ở tuổi 98.

Khi ông vẫn còn sống, tác giả và chuyên gia về tuổi thọ Dan Buettner (chuyên nghiên cứu về các vùng đất trường thọ được gọi là Blue Zones) đã đến thăm Ikaria để tìm hiểu về bí quyết sống thọ của người dân trên đảo. Khi hỏi tới ông Moraitis, ông chỉ trả lời rằng: "Tôi không biết rõ".

Dù vậy, ông Moraitis cho rằng có thể hàng chục năm sống sót của ông là nhờ chỉ tiêu thụ thực phẩm nguyên chất là thảo dược, rượu vang địa phương, không khí trong lành và một cuộc sống không căng thẳng.

Chuyên gia Dan Buettner và ông Moraitis.

Nơi bạn sống có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn

Chúng ta không thể biết chắc chắn điều gì đã giúp ông Moraitis sống thêm ba thập kỷ sau khi mắc ung thư. Có thể ông Moraitis có một số phẩm chất di truyền độc đáo của những người được gọi là SuperAge (siêu thọ), có thể giúp bảo vệ họ khỏi các bệnh như ung thư.

Tuy nhiên, chuyên gia Buettner nghi ngờ rằng rất có thể một yếu tố chính ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta không phải là con người bên trong mà là những gì xung quanh chúng ta - con người, cây cỏ, không khí, lối sống. Một nghiên cứu thường được trích dẫn về các cặp song sinh người Đan Mạch cho thấy di truyền chỉ quyết định khoảng 20 đến 25% tuổi thọ..

Chuyên gia Buettner nói: “Ông ấy không chủ ý làm bất cứ điều gì để cố gắng trở nên khỏe mạnh hơn. Tất cả những gì ông Moraitis làm là thay đổi môi trường của mình". 

Hòn đảo Ikaria là 1 trong 5 "vùng xanh" trên thế giới.

Hòn đảo nhỏ Ikaria của Hy Lạp được mệnh danh là 'hòn đảo nơi mọi người quên chết' hoặc Blue Zones (vùng xanh) vì tuổi thọ trung bình của cư dân đảo cao hơn so với các nước khác ở Tây Âu là 10 năm.  

Theo UniLad, hòn đảo ở Hy Lạp này không phải là "vùng xanh" duy nhất trên thế giới, còn có những địa điểm khác với tuổi thọ trung bình còn cao hơn. 

Mặc dù những người sống trong các khu vực này sống lâu hơn và ít mắc các bệnh nghiêm trọng hơn so với các khu vực khác, trang tin y tế Healthline khẳng định điều đó là do họ có chế độ ăn uống lành mạnh hơn nhờ thực phẩm được sản xuất tại địa phương, thường xuyên vận động, sống có mục đích...