Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có văn bản 161/TWPCTTT ngày 25/10 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; văn bản gửi các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến bão và kỹ năng ứng phó với bão.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo trực tiếp điện cho Bí thư, lãnh đạo UBND các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận về triển khai ứng phó với bão.
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có công hàm số 1171/CH-LS-BHCD ngày 25/10/202 gửi Đại sứ quán Philippin tại Việt Nam; công hàm số 1172/CH-LS-BHCD ngày 25/10/202 gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị Đại sứ quán giúp thông báo tới các cơ quan chức năng sở tại tạo thuận lợi cho các ngư dân cùng tàu thuyền Việt Nam được tránh trú và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn người và tàu thuyền trong trường hợp gặp sự cố.
Tăng cường lực lượng trực ban, thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin về diễn biễn của bão; rà soát các phương án ứng phó với bão để tham mưu cho Ban Chỉ đạo điều hành.
Biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức kêu gọi, thông tin đến 59.477 tàu/289.298 LĐ lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận cập nhật thông tin và thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động di chuyển tránh trú an toàn hoặc không ra khơi. Tổ chức bắn pháo hiệu.
Hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, nhất là các bến cảng lớn, tàu vận tải, tàu vãng lai, tránh để xảy ra các sự cố. Cử cán bộ kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tại bến, không để người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ. Chủ động cấm biển; kiên quyết xử lý nghiêm những chủ phương tiện, thuyền trưởng không chấp hành hướng dẫn, kêu gọi của Biên phòng, chính quyền địa phương.
Tổ chức gia cố lồng bè nuôi trồng hải sản; sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm vào đất liền, chỉ được quay trở lại khi có lệnh của chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu nuôi trồng, khu sơ tán.
Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển. Sẵn sàng phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố.
Trên đất liền cần kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố. Chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với các công trình cột, tháp cao, khu công nghiệp; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phấm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông nhất là đi lại khi có bão và khi mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư để cứu hộ, ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ; đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về hồ đập, đê điều khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công.
Chính quyền các cấp tổ chức thông tin kịp thời cảnh báo đến tất cả các đối tượng bị ảnh hưởng của cơn bão để chủ động ứng phó. Các Bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương triển khai theo phương án ứng phó đảm bảo phù hợp, hiệu quả.