Bùng nổ trong ngày đầu khai trương,nhưng những phiên sau, giá trị giao dịch trên sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khá khiêm tốn, có phiên chỉ vỏn vẹn 25 triệu đồng.
Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chính thức được đưa vào hoạt động và ghi nhận sự bùng nổ giao dịch ngay trong phiên khai trương,
Theo báo Người lao động, trong ngày đầu vận hành, có 3 doanh nghiệp đăng ký giao dịch là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Vinfast, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Công nghiệp và Vận tải. Về khối lượng giao dịch, có tổng cộng hơn 5,05 triệu trái phiếu được thỏa thuận giao dịch thành công với tổng trị giá hơn 1.780 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không khí sôi động chỉ kéo dài trong ngày đầu tiên vận hành. Theo báo Lao động, khối lượng và giá trị giao dịch trái phiếu các phiên sau rất ảm đạm. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị giao dịch trong tuần đầu chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng (đã tính cả 1.780 tỷ đồng trái phiếu được “sang tay” trong ngày khai trương), thậm chí có phiên chỉ vỏn vẹn 25 triệu đồng.
Trao đổi với báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, kiêm Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng thị trường trái phiếu hồi phục chậm nhưng đi vào chất. Sở dĩ quy mô giao dịch của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ còn nhỏ là bởi mới có chưa đến 20 mã trái phiếu được đưa lên giao dịch. Hơn nữa, bản chất của đầu tư trái phiếu riêng lẻ là đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là định chế tài chính (bảo hiểm, ngân hàng…). Mục đích chính của họ là nắm giữ đến ngày đáo hạn như một kênh đầu tư có dòng tiền ổn định, chứ không phải lướt sóng.
"Tôi kỳ vọng, khi các sản phẩm kinh doanh trái phiếu theo kỳ hạn do các ngân hàng và công ty chứng khoán thực hiện nhiều hơn, thanh khoản thị trường sẽ sôi động hơn", ông Thuân hy vọng.
Nêu quan điểm tương tự trên báo Lao động, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - thẳng thắn cho rằng ông không quá bất ngờ. "Chợ mới mở cần thời gian để người dân làm quen. Những siêu thị mở ra cũng cần 1 - 2 năm để người dân đến mua bán tấp nập. Tôi nghĩ thị trường trái phiếu cũng vậy, cần có lộ trình và thời gian. Thời gian tới khi nhiều nhà đầu tư biết đến, sàn vận hành suôn sẻ, họ thấy được điểm lợi thì chắc chắn sẽ tham gia", ông nói.
Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội Nguyễn Duy Thịnh thì cho rằng giai đoạn đầu hàng hoá khiêm tốn nên giao dịch cũng ít. Tuy nhiên khi hàng hoá đã được đưa lên giao dịch tập trung và đầy đủ thì thanh khoản sẽ tăng trưởng dần.
Ông Thịnh nhấn mạnh điều, điều quan trọng khi vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tính minh bạch sẽ được cải thiện. “Nhà đầu tư sẽ có thông tin rõ hơn về giá, giá trị và khối lượng giao dịch để đưa ra quyết định đầu tư chính xác”, ông Thịnh đánh giá.
Chủ tịch HNX cũng cho biết thêm, trên thị trường hiện nay có hơn 1.000 mã trái phiếu của khoảng 500 công ty phát hành với tổng dư nợ 1.030 nghìn tỷ đồng.
Theo quy định tại Nghị định 65, các tổ chức phát hành sẽ phải đưa trái phiếu của mình lên sàn giao dịch tập trung trong vòng 3 tháng kể từ khi hệ thống đi vào vận hành chính thức. HNX đang rốt ráo ưa khoảng 1.000 mã trái phiếu lên sàn trong 3 tháng tới.
"Sau khi mã được đưa vào giao dịch tập trung, thanh khoản sẽ cải thiện, thị trường trái phiếu sẽ phục hồi dần. Đầu tiên từ các nhà đầu tư tổ chức, vì giai đoạn này thanh khoản thị trường mới bắt đầu phục hồi dồi dào, sau đó sẽ lan toả đến các nhà đầu tư cá nhân. Khi niềm tin quay trở lại, thị trường phát hành có nhiều tín hiệu tích cực sẽ kéo theo thị trường thứ cấp sôi động trong nửa cuối năm", ông Thịnh dự báo.
Vân Anh (T/h)