Chua xót nào trong những bức tâm thư?

Hết quý I/2020, câu chuyện xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng vẫn còn dang dở. Hoang mang và lo lắng nhưng không nỡ “bỏ học sinh”, hàng loạt giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, thị xã viết tâm thư “kêu cứu”.

“Lời hẹn” xét tuyển đặc cách, nay ở đâu?

Hàng trăm giáo viên hợp đồng trên các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội có lẽ đang có chung một nỗi băn khoăn, trăn trở: “Đến khi nào thì những giáo viên hợp đồng đã tận tụy cống hiến suốt bao năm tháng mới được xét tuyển đặc cách?”.

Đã hơn một năm khi những lá đơn kêu cứu đầu tiên của giáo viên hợp đồng Hà Nội gửi đến các lãnh đạo TP.Hà Nội và Trung ương, sau khi thành phố ra quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục theo Nghị định 161 (ngày 7/3/2019)...

Sau thời điểm đó, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ra quyết định xét đặc cách giáo viên có hợp đồng trước 31/12/2015 và đóng bảo hiểm bắt buộc liên tục đến nay, có vị trí việc làm. Sau khi có chỉ đạo của bộ Nội vụ, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố đã xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đủ điều kiện.

Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã ra nghị quyết bổ sung 2.692 chỉ tiêu để xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng, đồng thời, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã hứa sẽ xét tuyển giáo viên hợp đồng đủ điều kiện trong quý I/2020. Tính đến nay, Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như rà soát đội ngũ đủ điều kiện; sở Nội vụ Hà Nội đã kiểm tra xong hồ sơ xét đặc cách của giáo viên hợp đồng.

Tuy nhiên, đã hết quý I/2020 nhưng các giáo viên hợp đồng của Hà Nội vẫn chưa biết cụ thể số phận của mình ra sao và khi nào mới có thể được quay trở lại đứng lớp.

Thầy giáo Nguyễn Viết Tiến, từng là giáo viên hợp đồng dạy Toán tại trường THCS Xuân Sơn, Sơn Tây cho biết: “Hiện tại, giáo viên hợp đồng Hà Nội chúng tôi thực sự băn khoăn và thắc mắc, không biết việc xét tuyển đặc cách của chúng tôi đang còn mắc ở khâu nào, mà đến nay, TP.Hà Nội vẫn chưa có quyết định xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng theo như lời hứa của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.

Chúng tôi biết, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cả nước đang “gồng mình” chống dịch, nhưng tôi thiết nghĩ, song song với việc dập dịch thì việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng Hà Nội vẫn có thể diễn ra theo quy trình và thời gian như đã định của thành phố.

Hàng nghìn giáo viên hợp đồng chúng tôi vẫn đang mong ngóng từng ngày, mong lãnh đạo thành phố thực hiện lời hứa trước đó. Nhiều giáo viên hợp đồng đã mất việc, hiện giờ vẫn đang khắc khoải từng ngày, mong nhận được quyết định xét tuyển đặc cách để có thể tiếp tục được cống hiến cho ngành giáo dục Thủ đô”.

Dù không lương cũng không bỏ học trò

Đó là tâm sự của cô giáo N.Q.P., giáo viên hợp đồng tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Phúc Thọ.

Không giấu nổi nét buồn trên gương mặt, cô N.Q.P. thẳng thắn giãi bày: “Chúng tôi vẫn đang đẵng đẵng đợi chờ, mà không biết phải chờ đến bao giờ. Vì dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tôi cũng không biết phải làm thế nào cho đúng?

Từ trước khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều người trong chúng tôi đã bị cắt hợp đồng, trở thành giáo viên thỉnh giảng, tính thu nhập theo từng giờ giảng.

Giờ vì dịch bệnh, học sinh phải nghỉ học, không đến trường, chúng tôi vẫn tận tình dạy học trực tuyến, vẫn ngày ngày giảng bài, hướng dẫn học sinh, dù không danh, không phận, không lương”.

“Hiện tại, huyện Phúc Thọ có 90 giáo viên bậc THCS, 57 giáo viên bậc tiểu học và 61 giáo viên bậc mầm non đang cùng chung trăn trở, đến bao giờ mới có kết quả? Mặc dù Hà Nội có kế hoạch hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên “thất nghiệp vì Covid-19”, nhưng chúng tôi lại “nằm ngoài” diện được hỗ trợ đó.

Nhiều giáo viên thỉnh giảng đang chật vật suốt mấy tháng nay. Đến giây phút này, học sinh ngừng đến trường để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, chúng tôi vẫn không bỏ học sinh, vẫn sát sao đồng hành cùng học sinh mỗi ngày qua những giờ học trực tuyến. Tất cả chỉ vì để học sinh được học! Dù không nhận được khoản lương nào! Nếu không phải yêu nghề, thương trẻ, thì liệu có ai làm được như vậy không?!”, cô N.Q.P. tâm sự.

Chua xót những bức tâm thư

Trước bối cảnh đó, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, thị xã mới đây đã viết tâm thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, với mong mỏi duy nhất, sớm được xét tuyển đặc cách.

Cô N.T.T.T., giáo viên hợp đồng một trường THCS tại huyện Ba Vì đã gửi tâm thư tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay lời muốn nói của hàng trăm giáo viên trên địa bàn.

Theo bức tâm thư, cô N.T.T.T. đã có 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, dù còn nhiều khó khăn, cô vẫn luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cô cho biết, trong suốt thời gian qua, cô cũng như những đồng nghiệp đã từng đôi lần tham gia kỳ thi viên chức do tỉnh, thành phố tổ chức, nhưng do chỉ tiêu quá ít, hoặc không có chỉ tiêu ở một số môn... nên cô và đồng nghiệp không có cơ hội có một chỗ đứng vững chắc trong ngành.

Ngày 31/8/2019, cô N.T.T.T. và những giáo viên hợp đồng khác bị huyện Ba Vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Sau nhiều lần kêu cứu, viết tâm thư, Chính phủ, bộ Nội vụ đã cho phép xét đặc cách đối với giáo viên hợp đồng đã giảng dạy và có đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Cuối năm 2019, TP.Hà Nội cũng đã có quyết định dành 2.692 chỉ tiêu để xét đặc cách viên chức giáo dục và giải quyết xong trong quý I/2020. Tuy nhiên, đã hết quý I mà giáo viên hợp đồng của huyện Ba Vì vẫn chưa biết cụ thể số phận của mình ra sao và khi nào mới có thể quay trở lại bục giảng.

“Chúng cháu chỉ muốn nói với Bác rằng chúng cháu đã chờ đợi cả tuổi thanh xuân, chờ đợi nửa đời người rồi, cũng mong TP.Hà Nội đừng bắt chúng cháu phải chờ thêm nữa...”, cô N.T.T.T. trăn trở trong bức tâm thư.

Cô Trần Thị Lý, một giáo viên hợp đồng tại huyện Phúc Thọ cũng thay mặt những người đồng nghiệp, viết một bức tâm thư, gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Trong thư, cô Lý bày tỏ tâm tư sau 16 năm gắn bó với nghề bỗng trở thành thất nghiệp: “Hôm nay, cháu mạo muội viết thư này gửi tới Bác, với tâm trạng của giáo viên hợp đồng của huyện cũng như của TP.Hà Nội hiện nay rất hoang mang, lo lắng, mong muốn được Bác xem xét và cứu giúp cho gần 3.000 giáo viên trên toàn thành phố thoát khỏi bế tắc...”.

Qua bức thư, cô Lý không ngần ngại trải lòng, dù đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống, nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên vai chẳng là gì cả, vì cô cũng như những người đồng nghiệp khác, có tình yêu lớn hơn, đó là học sinh. Đó là niềm đam mê và hạnh phúc của những người giáo viên hợp đồng.

“Thưa Bác, theo lời hứa của Chủ tịch TP.Hà Nội, sẽ xét đặc cách cho chúng cháu, hết quý I/2020 phải giải quyết xong. Thật trớ trêu cho chúng cháu, lại xảy ra đại dịch...

Giáo viên hợp đồng chúng cháu là những người bị thiệt thòi và chẳng biết bấu víu vào đâu mà sống. Bình thường đã chẳng có kinh tế, giờ đại dịch xảy ra, chẳng đi làm, không có thu nhập... Cháu tha thiết được sự quan tâm của Bác và của các cấp lãnh đạo, sớm thực hiện việc xét đặc cách để chúng cháu an tâm cống hiến sức khỏe, tâm huyết với nghề, với học sinh thân yêu...”, cô Trần Thị Lý bày tỏ.