Mở màn cho mùa kinh doanh ấn tượng của ngành chứng khoán chắc chắn không thể bỏ qua Công ty CP Chứng khoán VNDirect (mã VND) khi ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.091 tỷ đồng, tăng 166% so với cùng kỳ năm trước.
Đóng góp nhiều nhất cho doanh thu của VND là mảng kinh doanh môi giới chứng khoán khi đem lại hơn 371 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đó là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) và lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt lần lượt 328 và 244 tỷ đồng, tăng lần lượt 161% và 216% so với cùng kỳ năm trước.
Song hành với doanh thu tăng mạnh, công ty cũng ghi nhận chi phí trong kỳ gấp hơn 2.8 lần cùng kỳ năm trước, lên 423 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ từ tài sản FVTPL và chi phí môi giới tăng mạnh. Kết thúc quý 2, VND báo lãi sau thuế hơn 389 tỷ đồng, gấp khoảng 2.9 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu hoạt động và lãi sau thuế của VND lần lượt đạt hơn 2.100 tỷ đồng và 904 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,5 lần và gần 5 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý 2, tuy tổng tài sản của VND tăng hơn 50% so với đầu năm, đạt hơn 22.460 tỷ đồng, nhưng khoản nợ phải trả của công ty cũng tăng mạnh thêm 6.600 tỷ đồng, tăng gần 60%.
Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã SSI) vừa công bố kết quả kinh doanh báo cáo riêng quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021.
Không nằm ngoài đà tăng trưởng mạnh mẽ này, “ông lớn” SSI cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt lần lượt 1.742 tỷ đồng và 703,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, dư nợ cho vay ký quỹ SSI đạt kỷ lục lên đến 15.539 tỷ đồng, tăng trưởng 72% so với đầu năm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận khoản doanh thu 3.244,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.231,7 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 38% và 84% so với cùng kỳ năm 2020.
Với kết quả này, kết thúc nửa đầu năm 2021, SSI đã hoàn thành 64% kế hoạch kinh doanh về lợi nhuận. Ban lãnh đạo SSI cho biết, lợi nhuận của công ty tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục lập kỷ lục lịch sử về chỉ số, thanh khoản thị trường và số tài khoản mở mới.
Đặc biệt, thanh khoản toàn thị trường trung bình 26.219 tỷ đồng/ngày trong quý 2, tăng trưởng tới 293% so với cùng kỳ năm ngoái giúp tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh của SSI.
Tại ngày 30/6, Chứng khoán có tổng tài sản 41.538 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt 11.096 tỷ đồng. Như vậy, SSI tiếp tục là công ty chứng khoán có quy mô tài sản lớn nhất thị trường.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ.
Theo đó, trong quý 2/2021, VCSC có doanh thu thuần đạt 879 tỷ đồng, tăng mạnh 116%, lợi nhuận trước thuế 504 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khi mang về 526 tỷ đồng doanh thu, tăng 143% so với cùng kỳ. Mảng có tỷ trọng lớn thứ 2 là môi giới ghi nhận doanh thu 212 tỷ đồng, tăng 101%.
Đáng chú ý, mảng ngân hàng đầu tư – thế mạnh tạo nên thương hiệu của công ty chưa ghi nhận kết quả khả quan. Cụ thể, doanh thu chỉ mang về 3 tỷ đồng và lỗ trước thuế 5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là các thương vụ mà VCSC thực hiện chưa được ghi nhận trong nửa đầu năm 2021 vì vẫn đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục liên quan.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 110%, lợi nhuận trước thuế đạt 868 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ. Mức doanh thu và lợi nhuận này đã thực hiện 81% và 69% kế hoạch cả năm 2021.
Công ty chứng khoán FPT (FPTS) công bố báo cáo tài chính quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu quý 2 của FPTS ghi nhận hơn 356 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, FPTS báo lãi ròng hơn 230 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đã thực hiện tăng hơn 98 tỷ, tương đương 173% so với quý 2/2020.
Theo giải trình từ phía công ty, sự bứt phá mạnh trong quý 2 chủ yếu nhờ sự thăng hoa của thị trường chứng khoán trong nửa đầu 2021 đã khiến doanh thu môi giới của công ty tăng lên gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, đạt 142,6 tỷ đồng.
Lũy kế nửa đầu năm 2021, FPTS đạt 376 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp đến 17 lần số lãi ròng thu được trong cùng kỳ 2020.
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cũng ghi nhận kết quả kinh doanh bứt phá trong quý 2 năm nay khi chỉ tiêu đồng loạt bật tăng mạnh mẽ, thậm chí gấp đến 14 lần cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính riêng trong quý 2/2021, Chứng khoán KIS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 866,4 tỷ đồng, gấp gần 5,3 lần giá trị trong quý 2 năm trước.
Đáng chú ý, mảng tự doanh đóng góp chủ yếu cho đà tăng ấn tượng này của doanh thu, tỷ trọng chiếm 65,7%. Theo đó, khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đã vọt tăng kỷ lục thêm gần 13 lần so với quý 2/2020, lên mức gần 569 tỷ đồng.
Công ty thu lãi từ cho vay ký quỹ (margin) và ứng trước gấp hơn 2 lần quý 2/2020, đạt 119,4 tỷ đồng. Doanh thu môi giới kỳ này đạt 110,5 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ. Trừ đi chi phí, phần lãi tương đương tăng thêm 15,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, phần lãi từ các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro ghi nhận hơn 55 tỷ đồng trong kỳ báo cáo. Hoạt động bán các tài sản tài chính trong kỳ đem về khoản lãi ròng khoảng 186 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu hoạt động của KIS đạt xấp xỉ 1.590 tỷ đồng, gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. Đồng thời, LNST đạt hơn 237 tỷ đồng, tương đương mức tăng 216% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Bước sang năm 2020, KIS lên kế hoạch lãi sau thuế đạt mức 290 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng kỳ vọng đạt 46%. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, công ty đã thực hiện gần 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Có thể thấy, sức nóng của thị trường đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư mới đổ tiền vào thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp các công ty chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 cũng như nửa đầu năm 2021.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 620.683 tài khoản chứng khoán mở mới, con số này lớn hơn tổng tài khoản mở mới của cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại. Ước tính, mỗi ngày có hơn 3.400 tài khoản chứng khoán mở mới.
Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thị trường cân bằng lại áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại. Trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 30.000 tỷ đồng trên HoSE, gần gấp đôi lượng bán ròng trong cả năm trước.
Đây cũng là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh cao lịch sử, chỉ số Vn-Index thành công trong việc vượt mốc 1.400 điểm, trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.
Bên cạnh đà tăng của điểm số, thanh khoản thị trường cũng liên tục lập kỷ lục và những phiên giao dịch 25.000 tỷ đồng, thậm chí là trên 30.000 tỷ đồng không còn là điều bất ngờ đối với nhà đầu tư.
Như vậy, chính sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư mới và thanh khoản thị trường liên tục bùng nổ là chất xúc tác giúp hầu hết các công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh thăng hoa, báo lãi đậm trong 6 tháng đầu năm.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật