Chuyện đỡ đầu, nhận chăm sóc học sinh nghèo của cô Vy

Không chỉ nỗ lực mang đến những bài giảng thú vị để hấp dẫn học trò, cô giáo Vũ Mai Vy còn nhận đỡ đầu và nhận chăm sóc cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, cô luôn được học trò yêu mến, gọi bằng cái tên thân mật, “má Vy”.

Cảm hứng “gieo mầm thiện” từ câu nói của ba

Lựa chọn trở thành một giáo viên dạy tiếng Pháp, cô giáo Vũ Mai Vy (SN1981), trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) cho biết, đó là một câu chuyện nối dài truyền thống gia đình, khi cả ba và mẹ của cô đều là những “kỹ sư tâm hồn”.

Cô Mai Vy vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm từ ngày thơ bé: “Ngay từ nhỏ, tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ câu nói của ba. Ba nói rằng, mình làm nghề giáo, là để đi gieo những hạt giống tâm hồn, và cho dù có khó khăn, gian khổ đến thế nào, chúng ta cũng có thể tìm ra cách để gieo và ươm những mầm thiện, cho cuộc sống nở thật nhiều hoa.

Thật vậy, tôi còn nhớ rất rõ những năm tháng ở quê nhà nơi miền biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), cái nghèo, cái khó cứ bủa vây lấy tất cả, nhưng khi đó, ba mẹ vẫn luôn lạc quan và nghĩ đến học trò, không vì khó khăn mà từ bỏ nghề, vẫn kiên trì đến từng nhà động viên phụ huynh cho con đi học, cặm cụi dạy chữ cho từng học trò để các anh chị có được kiến thức để tiếp tục quay lại với con đường học hành. Thậm chí, có những ngày, khi trong nhà chỉ còn vỏn vẹn đúng 3 lon gạo, thì ba mẹ cũng sẵn sàng xúc từng lon gạo để san sẻ cho gia đình của học trò. Và đó cũng là một trong những cách để giữ chân học trò không bỏ lớp...

z2944385708324-98c9894aad686800fca989dc23014a5a-1637237280.jpg
Cô giáo Vũ Mai Vy (ngoài cùng, bên phải) luôn tân tâm với mỗi học sinh.

Chính từ những hình ảnh ấy, mà khi lớn lên, tôi cũng rất hay mủi lòng, nếu có lỡ đi qua một người bán hàng rong không lành lặn nào, tôi cũng phải vòng xe ngược trở lại để mua một món đồ nào đó và ủng hộ họ... Và cũng chính vì thế, tôi càng không thể đứng yên khi chứng kiến những câu chuyện, hoàn cảnh từ các học sinh của mình”.

“Trong một lần đi làm về muộn, tôi tấp vào một quán ăn để mua phần cơm hộp, thì thấy học sinh của mình đang ăn một suất cơm gần như không có mấy thức ăn, tôi thầm nghĩ thấy thương, các con đang tuổi ăn tuổi lớn mà ăn như vậy thì sao có sức... Tôi mua thêm đồ ăn cho con rồi dặn con: “Nhà cô cũng ở gần, buổi trưa con ghé ăn cơm với cô nha!”. Nhưng có lẽ con còn ngại, nên không dám đến. Sau lần ấy, tôi tìm cách bảo thêm mấy học sinh khác rủ nhau cùng đến nhà cô chơi cho quen dần, rồi cuối cùng cũng chịu ăn cơm ở nhà cô.

Năm học này, trong nhà tôi cũng đang nuôi 4 học sinh ở lại đi học. Tôi thương và coi các con như con ruột của mình vậy. Và đáng mừng thay, hai con tôi cũng rất hiểu chuyện và thương học trò của tôi, giống như các anh chị em trong một gia đình thực sự”, cô Vy chia sẻ.

z2945821216655-9a5a757ae924743955e8b733e78eafb3-1637237313.jpg
Một học sinh đang sinh hoạt tại nhà cô Vy, được cô “chụp lén” để gửi phụ huynh vì “nhớ con quá”.

Suốt gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô Vy vẫn luôn “say nghề” theo cách riêng như vậy. Tính từ những ngày đầu tạo điều kiện ăn ở vào buổi trưa cho học sinh ở xa, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô Vũ Mai Vy đã hỗ trợ được 8 trường hợp, trong đó, có những bạn đã tốt nghiệp THPT và thi đậu vào các trường đại học “hot”. Ngoài ra, nữ giáo viên còn nhận đỡ đầu cho gần 20 học sinh khó khăn, mỗi tháng hỗ trợ một khoản kinh phí nho nhỏ để giúp con đường học tập giảm bớt phần nào chông gai.

Không chỉ hết lòng chăm lo cuộc sống của học sinh nghèo, cô giáo Vũ Mai Vy còn được biết đến với chuyên môn giỏi và rất nhiều sáng kiến mới mẻ trong phương pháp dạy học, tạo nên những giờ học hấp dẫn cho học sinh.

z2945368485706-55c4a0c616cc828d6fce21e7a1ea9b7b-1637237281.jpg
Giờ học tiếng Pháp của cô Vy luôn thật thoải mái và hấp dẫn.

Cô Vy tâm sự: “Vì tiếng Pháp là môn học khá mới lạ đối với học sinh khi vừa bước chân vào cấp 3, hơn nữa, lại là ngoại ngữ thứ 2, nên ban đầu, hầu hết các em chẳng mấy hứng thú. Vậy nên, tôi luôn tự nhủ, mình phải tìm ra nhiều hình thức truyền đạt mới, sinh động và lôi cuốn. Bên cạnh việc thiết kế bài giảng bằng giáo án điệnt ử, tôi luôn chú trọng dạy từ vựng bằng hình ảnh, các mẫu câu bằng các trò chơi, và đặc biệt, khuyến khích học sinh phát biểu bằng hình thức cộng điểm...”.

“Một điều rất đáng tự hào đối với bản thân tôi, đó chính là tên tôi khá có “sức nặng” trong lòng học trò, và cũng được phụ huynh tin tưởng. Chỉ cần các con đi với cô Vy là phụ huynh rất yên tâm. Cũng chính vì vậy, tôi được học trò thương yêu, dành rất nhiều tình cảm đặc biệt, các con thường hay gọi tôi bằng “má Vy” không à... Điều đó khiến tôi thực sự xúc động”, nữ giáo viên bộc bạch.

n-1637237859.jpg
Trong mắt các học trò, cô giáo Vy luôn là người mẹ hiền.

“Xắn tay” nấu cơm, gói bánh chưng tiếp tế mùa dịch

Mặc dù chuyên môn là giảng dạy tiếng Pháp, song, cô giáo Vũ Mai Vy còn là người tích cực xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động xã hội cho học sinh trong trường tham gia.

“Xuất phát từ một lần, có học sinh cũ gọi điện về “cầu cứu” tôi. Bạn ấy đang học tập tại một trường đại học, và để tính điểm xét học bổng thì còn cần tính đến điểm hoạt động phong trào. Nhưng khi bạn ấy tham gia vào các câu lạc bộ của trường và được giao một số nhiệm vụ thì lại không biết phải bắt đầu từ đâu, nên mới gọi cho cô giáo cấp 3.

z2945428874622-ec02f30fa6101b2500d60457b53ba9c0-1637237280.jpg
Cô Vy cùng các học sinh tập trung trước một chuyến đi thiện nguyện vùng cao.

Lúc đó, tôi thầm nghĩ, không thể để học sinh trường chuyên sau khi vào đại học lại lóng ngóng như vậy được. Và thế là tôi bắt đầu nghiên cứu, lên kế hoạch, thành lập các câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa để học sinh trong trường có cơ hội trải nghiệm, đặc biệt là những hoạt động gây quỹ, rồi thường xuyên hỗ trợ, sẻ chia tại các trung tâm bảo trợ, cô nhi viện....

Bên cạnh mục đích giúp học sinh rèn kỹ năng sống, tăng tính đoàn kết và tương tác nhóm, tôi cũng hy vọng có thể góp phần giáo dục học sinh về tình yêu thương, chia sẻ, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với chính bản thân, gia đình và xã hội. Đó là những bài học thực tế, sẽ theo các con cả cuộc đời”, cô Vy tâm sự.

z2945358068897-e37edbbfd9343e64edb6c9458b909137-1637237280.jpg
Học sinh được cô Vy đưa đi thăm, tặng quà và sinh hoạt cùng các em bé tại cô nhi viện Mằng Lăng.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Phú Yên, cô giáo Mai Vy đã có rất nhiều hoạt động tham gia hỗ trợ lực lượng chống dịch.

Hồi đầu, khi ban Giám hiệu nhà trường phát động chương trình “Lương Văn Chánh chung tay cùng cộng đồng”, cô Vy cũng nhiệt tình tham gia cùng các thầy cô giáo đã và đang công tác tại trường, cũng như tập thể học sinh, cựu học sinh, đồng thời, cô cũng tham gia kết nối với một số nhà hảo tâm nhằm chung tay hỗ trợ phần nào khó khăn với tỉnh nhà.

Suốt cả tháng liền, cô giáo 40 tuổi ấy cứ miệt mài xây dựng kế hoạch, huy động kinh phí, để tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn, thậm chí, đồng hành với các nhóm học sinh nghiên cứu làm 5.000 chai nước rửa tay kháng khuẩn, làm ATM gạo miễn phí để san sẻ nỗi vất vả trong bối cảnh dịch bệnh.

a-1637237281.jpg
Nữ giáo viên tích cực tiếp tế mùa dịch.

Không dừng lại ở đó, cô Vy còn tích cực tham gia bếp ăn tình nguyện, gói bánh chưng gửi tặng các khu phong tỏa; và tặng khẩu trang, kính chắn giọt bắn, một số nhu yếu phẩm như: sữa, bánh, nước suối, và một số suất ăn cho các chốt kiểm soát dịch.

Với không ít những nỗ lực “vì học sinh thân yêu” trong suốt gần 20 năm qua, mới đây, cô giáo Vũ Mai Vy trở thành một trong số những gương mặt giáo viên tiêu biểu, vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT.

anh-1-1637237280.jpg
Sự ghi nhận quý giá đối với cô giáo Vũ Mai Vy chính là chiếc bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT trong năm nay.

“Đây là một sự ghi nhận rất đáng quý! Điều đó không chỉ có ý nghĩa với riêng bản thân tôi ngay lúc này, mà còn là một động lực cho tôi cùng các đồng nghiệp thêm yêu nghề, thêm gắn bó với những bài giảng hay, tất cả vì học trò thân yêu…”, cô Vy xúc động nói.

(Ảnh: NVCC).