Bữa sáng là vô cùng quan trọng, tuy nhiên nhiều người có thói quen bỏ ăn sáng hoặc gộp bữa sáng với bữa trưa là 1. Điều này rất gây hại cho sức khỏe chúng ta.
Tác hại khi bỏ bữa ăn sáng
Theo bài đăng trên website Bệnh viện Đa khoa quốc tế Medlatec, nghiên cứu từ tạp chí Jama của Hiệp hội Y học Mỹ chỉ ra người không ăn bữa sáng có nguy cơ bị đau tim cao gấp 27% và nguy cơ tử vong do bệnh tim cao trên 87% so với người luôn ăn bữa sáng.
Một nghiên cứu từ tạp chí American College of Cardiology cũng phân tích, người ăn sáng dù nhiều hay ít thì nguy cơ đối với bệnh xơ vữa động mạch cũng chỉ rơi vào khoảng 21% trong khi những người không ăn sáng lại lên đến 67%.
Việc bỏ bữa sáng ảnh hưởng lớn đến hệ tim mạch do cơ thể con người bị hạ đường huyết, tăng huyết áp, gây tắc nghẽn động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bị bệnh tim mạch mạn tính, nhất là bệnh đột quỵ.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Không ăn sáng khiến sự lưu thông máu giảm nên cơ thể không sản xuất đủ hormone để điều tiết quá trình chuyển hóa, từ đó làm đường huyết bị rối loạn và kết quả sẽ xuất hiện của hiện tượng chóng mặt, mệt mỏi và nguy cơ bị bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Bị tiêu chảy, hệ tiêu hóa hoạt động kém
Thêm một tác hại của việc không ăn sáng rất nhiều người gặp phải nữa là bị tiêu chảy, buồn nôn hoặc táo bón. Khi nhịn ăn sáng sẽ gây đói, căng thẳng. Vì đói nên hệ tiêu hóa bị kích thích và thói quen đại tiện cũng bị thay đổi.
Quá đói do bỏ bữa sáng còn tạo nên thói quen ăn uống không điều độ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiêu hóa và đó chính là lý do khiến cho các bệnh lý đường tiêu hóa xuất hiện.
Giảm khả năng tập trung
Bỏ bữa sáng dễ khiến đường huyết bị hạ, năng lượng cung cấp cho não bộ giảm xuống và làm cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tập trung kém.
Mặt khác, việc không ăn sáng còn ảnh hưởng đến sự cân bằng trong cơ thể. Lúc này, lượng đường huyết sẽ rơi tự do và rất khó để tỉnh táo. Hoạt động của não bộ được duy trì chủ yếu nhờ glucose, khi thiếu đường huyết để làm năng lượng thì não không có khả năng hoạt động như bình thường được.
Dễ cáu gắt, tâm trạng không ổn định
Ngoài ra, một tác hại của việc không ăn sáng rất dễ thấy - cơ thể bị bỏ đói khiến tâm trạng dễ cáu gắt, cảm giác bứt rứt, bồn chồn và khả năng nhìn bao quát mọi việc trở nên kém hơn. Nguyên nhân của những điều này là do hormone stress sản xuất ra quá nhiều và kết quả là bạn rất dễ nổi giận và bực tức.
Thiếu dưỡng chất
Trải qua khoảng thời gian dài sau bữa tối và giấc ngủ đêm thì bữa sáng là thời điểm cơ thể được bổ sung năng lượng và dinh dưỡng. Vì thế, nếu bỏ đi bữa ăn này, cơ thể có nguy cơ bị thiếu hụt dưỡng chất và kéo dài tình trạng đó sức khỏe của bạn sẽ khó tránh khỏi bị ảnh hưởng xấu.
Dễ mắc bệnh đường tiêu hóa
Không ít người mắc bệnh dạ dày xuất phát từ việc bỏ ăn sáng. Điều này được lý giải do bụng bị bỏ đói trong một thời gian dài làm cho dịch vị dạ dày sẽ tiết ra nhiều nhưng không có gì để tiêu hóa nên axit dạ dày quay ngược lại tấn công niêm mạc dạ dày và kết quả là xuất hiện tình trạng viêm loét dạ dày, ợ nóng, ợ chua.
Những sai lầm trong bữa ăn sáng
Ăn sáng ngay sau khi thức dậy
Nhiều người có thói quen ăn sáng ngay khi vừa thức dậy. Tuy nhiên, theo báo Sức khỏe & Đời sống, nếu ăn sáng quá sớm không những không có lợi cho cơ thể và còn ảnh hưởng đến dạ dày. Sau một giấc ngủ dài, hầu hết các cơ quan của cơ thể vẫn lưu lại một phần của bữa ăn tối.
Cơ quan tiêu hóa vẫn cần thời gian để “xử lý” và hấp thụ nốt phần ăn đó. Nếu bạn ăn bữa sáng quá sớm, thức ăn sẽ chất chồng với nhau, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Chỉ ăn sáng bằng trái cây
Không nên ăn trái cây thay thế bữa sáng, vì trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường của cơ thể.
Ngoài ra, các loại trái cây như quả hồng vàng, cà chua, chuối... không thích hợp để ăn khi đói, gây hại cho dạ dày và tiêu hóa.
Ăn sáng quá muộn
Không chỉ khiến bạn mất cảm giác ngon miệng vì cơn đói đã đi qua mà còn khiến cho cơ thể không hấp thu được những dưỡng chất có trong thực phẩm, gây rối loạn đồng hồ sinh học trong cơ thể. Tốt nhất nên ăn sáng trước 9 giờ.
Ăn vặt thay cho bữa sáng
Không nên dùng đồ ăn vặt như bánh quy, chocolate... thay cho đồ ăn sáng. Đồ ăn vặt sẽ khiến việc tiêu hóa của cơ thể bị ảnh hưởng, bởi buổi sáng cơ thể luôn trong trạng thái thiếu nước còn đồ ăn vặt lại rất khô.
Đồ ăn vặt chỉ cung cấp năng lượng tạm thời, trong một thời gian ngắn. Ăn sáng với các loại thực phẩm khô dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cũng như sự suy giảm về thể chất, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh.
Ăn nhiều thịt
Nhiều người cho rằng, nếu bữa ăn sáng không ăn thịt sẽ dễ bị đói vì không cung cấp đủ calo. Bạn không nên ăn nhiều thịt hay nhiều dầu vào bữa sáng. Bởi những loại thức ăn này chứa nhiều protein và chất béo nên không tốt cho dạ dày.
Ăn đồ ăn thừa từ hôm trước
Không ít người dùng ăn đồ ăn còn lại tối hôm trước cho bữa sáng để tiết kiệm, an toàn. Thực tế, đây là một quan niệm sai lầm. Thức ăn không giữ lại giá trị dinh dưỡng toàn vẹn sau thời gian dài lưu trữ, thậm chí thức ăn qua đêm có thể sản sinh ra chất độc và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
Ăn đồ ăn lạnh
Buổi sáng, cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, nếu bạn ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông.
Tình trạng này kéo dài sẽ gây khó chịu ở đường tiêu hóa, thậm chí gây táo bón, da trở nên xấu hơn hoặc thậm chí có đờm ở cổ họng. Thay vào đó nên thưởng thức một tô cháo nóng, bánh mì, ngũ cốc nóng, sữa nóng.
Vừa đi vừa ăn
Nhiều người (đặc biệt là dân văn phòng) do buổi sáng không có thời gian nên tranh thủ vừa ăn vừa đi bộ hoặc ăn khi chờ xe buýt... Đây là một thói quen không có lợi cho cơ quan tiêu hóa, nhất là tăng nguy cơ đau dạ dày.
Theo VTC News, để có một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất, bạn hãy:
Cân bằng khẩu phần ăn sao cho tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể 1 ngày đảm bảo tỷ lệ carbohydrate 60%, protein 10% - 14%, chất béo 25% - 30%.
Một bữa sáng hợp lý nên đầy đủ cả 3 nhóm chất là: chất béo, protein và tinh bột. Một bữa sáng lành mạnh sẽ không gây tăng cân cho cơ thể.
Nguyễn Linh (T/h)