Chuyên gia đề xuất 7 giải pháp khi chuyển trạng thái chống dịch

Theo chuyên gia y tế, việc Việt Nam chuyển hướng trong phòng, chống dịch Covid-19 là phù hợp. Tuy nhiên, phải có đánh giá nhiều chiều...

Liên quan tới việc chuyển hướng của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 từ không có ca bệnh sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản - thành viên nhóm nghiên cứu chống dịch Covid toàn cầu).

PV: Trong cuộc họp hôm 25/9, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch. Ông có đánh giá như thế nào khi Việt Nam chuyển trạng thái chống dịch?

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy: Tôi cũng đồng tình với hướng giải quyết như thế, vì giãn cách theo Chỉ thị 16 và thậm chí là Chỉ thị 15 là quá lâu. Các giãn cách cấp độ nặng như thế này chỉ nên dùng khi bất khả kháng, trì hoãn thời gian để hồi phục và tăng cường các biện pháp chống dịch khác.

Sự kiện - Chuyên gia đề xuất 7 giải pháp khi chuyển trạng thái chống dịch

Chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được chuyên gia đánh giá là phù hợp.

PV: Ban chỉ đạo Quốc gia đã có dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để các địa phương có đóng góp ý kiến ông có góp ý gì cho dự thảo này?

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy: Cho dù chiến lược có thay đổi hay không, Việt Nam vẫn phải tìm mọi cách ngăn chặn sự lây nhiễm từ người này sang người khác để đảm bảo số người bệnh không vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện.

Để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm, chúng tôi kiến nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y Tế, Sở Y tế và các cấp chống dịch trong cả nước đề ra biện pháp như sau:

Thứ nhất, "Xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 miễn phí" cho tất cả những người nghi nhiễm Covid-19, bất kể có yếu tố dịch tễ hay không.

Thứ hai, tuyên truyền mạnh hơn nữa, liên tục cho người dân hiểu rõ và yêu cầu người dân, bất kỳ ai khi có một trong các triệu chứng sau đều phải khai báo y tế với cơ sở y tế địa phương và bắt buộc họ phải tự cách ly tại nhà, bất kể xét nghiệm âm tính: Sốt > 37,5°C; mất vị giác; mất khứu giác; trong gia đình, trong cùng một khu nhà trọ, chung cư, hay người làm việc cùng phòng có một trong ba các triệu chứng nêu trên.

Thứ ba, có chính sách khen thưởng cụ thể, rõ ràng (như quà tặng, tiền thưởng) cho người dân nào tự giác khai báo (càng sớm càng tốt). Nhờ đó, cơ quan chống dịch có thể truy vết và phát hiện được những ổ dịch có nhiều người trong cộng đồng.

Thứ tư, nghiêm cấm và phạt tất cả những ai, kể cả các nhân viên tham gia phòng chống dịch (nhân viên y tế, nhân viên canh gác, trực chốt, tình nguyện viên...) khi có các triệu chứng nhưng không tự giác khai báo y tế cho cơ quan quản lý gần nhất.

Thứ năm, chuyển mục tiêu "xét nghiệm đại trà" sang “xét nghiệm diện rộng có mục tiêu”: Xét nghiệm tất cả người dân mà gia đình của họ, người cùng xóm, cùng nhà trọ, cùng chung cư có một trong 3 triệu chứng đã nêu trên. Việc này giúp chúng ta phát hiện nhanh hơn, chính xác hơn, qua đó kịp thời đưa ra hướng xử lý cụ thể đối với các trường hợp F0, F1. Một ổ dịch 10-30 người sẽ có ít nhất 3-9 người có triệu chứng. Vì vậy, với chiến lược có chọn lọc như thế này, chúng ta sẽ phát hiện kịp thời các ổ dịch còn nhỏ để bóc tách các ca nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng với hiệu quả kinh tế ít tổn thất nhất.

Thứ sáu, duy trì việc truy vết hiệu quả. Chúng ta thành công suốt hơn một năm đầu tiên chống dịch là nhờ vào việc truy vết kịp thời, liên tục: dù dịch bùng nổ thế nào thì đội truy vết vẫn cố gắng truy vết hết F1, đồng thời có sẵn danh sách F2 để truy vết tiếp khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 của F1 dương tính.

Thứ bảy, lập các tổ giám sát và đánh giá các biện pháp chống dịch: theo dõi, giám sát, đánh giá liên tục để biết được những khó khăn và biện pháp nào chưa được thực thi tốt, nhằm điều chỉnh và cải tiến cho phù hợp với thực trạng dịch bệnh tại khu vực, địa phương.

PV: Trong hướng dẫn tạm thời về việc thích ứng an toàn với dịch Covid-19 có 3 chỉ số. Trong đáng chú ý, ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19. Ông đánh giá như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy: Nhóm chúng tôi tìm kiếm xem có quốc gia nào đưa ra những yêu cầu tương tự hay không thì vẫn chưa tìm ra, mặc dù nhóm chúng tôi có thành viên tích cực trong hơn 40 quốc gia. Chúng tôi cũng sẽ đặt câu hỏi tại sao lại có nhưng con số như thế? tại sao 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin mà không phải là 90%, chúng tôi cho rằng cần hơn 90% người dân tiêm đủ 2 liều vắc-xin để có miễn dịch cộng đồng.

Sự kiện - Chuyên gia đề xuất 7 giải pháp khi chuyển trạng thái chống dịch (Hình 2).

Chuyên gia lo ngại vì lượng vắc-xin phân bổ còn hạn chế.

PV: Làm thế nào các tỉnh, thành có thể đảm bảo được các tiêu chí mà Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dự kiến đề ra? Điểm mấu chốt ở đây là gì?

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy: WHO có hướng dẫn tổng quát và tôi lấy ví dụ Nhật Bản họ chủ yếu dựa vào số giường bệnh còn có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và Trung tâm hồi sức tích cực (ICU). Nhật Bản đã làm hơn một năm nay rất thành công. Họ trải qua 5 đợt dịch Covid-19 và lần này chỉ cần dùng tương đương Chỉ thị 19/15 cho các thành phố lớn để kéo 27.000 ca mỗi ngày xuống 3.000 ca mỗi ngày chỉ trong vòng một tháng. Cụ thể, các tỉnh tại Nhật Bản theo dõi số ca nhập viện và xuất viện mỗi ngày. Khi đường biểu diễn xuất viện tăng dần trong 2 tuần và con số xuất viện vượt qua con số nhập viện là có thể chuyển từ chỉ thị 16 sang 15. Khi các bệnh viện chỉ chiếm 75% số giường cho Covid và ICU thì chuyển từ chỉ thị 15 sang 19.

PV: Vậy theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để mở cửa an toàn?

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy: Nguyên tắc là phòng bệnh hơn trị bệnh, ngay cả các quốc gia Anh và Mỹ có cơ sở trị bệnh hùng mạnh nhưng vẫn bị sóng dịch đè bẹp suốt vài tháng trong năm 2020. Lý do là vì lúng túng và thiếu kinh nghiệm chống dịch lây lan trong cộng đồng. Năm nay, đến lượt chúng ta trải qua tại Tp.HCM và các tỉnh miền Nam, do đó để mở cửa an toàn, chúng ta phải đánh giá được chúng ta thiếu biện pháp chống dịch thiết yếu nào? Biện pháp chống dịch nào làm kém hiệu quả? Biện pháp nào cần đẩy mạnh để bù đắp cho việc nới lỏng giãn cách.

Sự kiện - Chuyên gia đề xuất 7 giải pháp khi chuyển trạng thái chống dịch (Hình 3).

Để mở cửa an toàn theo chuyên gia y tế phải đánh giá tổng thể các yếu tố.

PV: Xin cảm ơn những phân tích của ông!

Bộ Y tế nói về “thích ứng an toàn” đang được xây dựng

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Hướng dẫn được xây dựng căn cứ trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước, thực tiễn và quy định phòng, chống dịch tại Việt Nam và tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp.

“Hướng dẫn nhằm mục tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do Covid-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", bà Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

"Thích ứng ở đây là ở mức bình thường mới, có nghĩa là chúng ta không theo đuổi không có ca mắc Covid-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng để tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, cần duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp dự phòng để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn. Các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần phải phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, điều trị kịp thời; các trường hợp F1 vẫn cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm", bà Liên Hương cho hay.

Hiện, dự thảo hướng dẫn vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến, Bộ Y tế trên tinh thần tiếp thu hoàn chỉnh sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Người Đưa Tin