Sau vụ việc phản ánh của phụ huynh về cơ sở mầm non AMIS Trần Hữu Dực bớt xén suất ăn bán trú của trẻ, chuyên gia dinh dưỡng đã nêu ra vai trò quan trọng trong bữa ăn học đường đối với học sinh.
Những ngày gần đây, vụ việc cơ sở mầm non AMIS Trần Hữu Dực bị phụ huynh tố bớt xén suất ăn bán trú của trẻ, không đảm bảo dinh dưỡng đang gây xôn xao dư luận.
Chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống về vai trò của bữa ăn học đường đối với sức khỏe của học sinh, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, bữa ăn học đường hay bữa ăn ở trường học là bữa ăn được chuẩn bị để cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho các em học sinh ở trường học. Bữa ăn học đường có thể là bữa ăn sáng, bữa ăn trưa, bữa chiều và các bữa phụ (bữa xế) vào giữa sáng hoặc giữa chiều. Số lượng các bữa ăn học đường thay đổi tùy theo loại hình tổ chức bán trú, nội trú và cấp học.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm chia sẻ thêm, về vai trò bữa ăn học đường như: cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cho học sinh đáp ứng nhu cầu hoạt động học tập và vận động, phát triển thể lực và trí lực theo lứa tuổi; cung cấp, bảo đảm an ninh lương thực thực phẩm cho các đối tượng học sinh trong diện chính sách được miễn phí bữa ăn học đường giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh, đủ sức khỏe để học tập; hình thành thói quen ăn uống khoa học, có lợi cho sức khỏe ở học sinh; hỗ trợ kiểm soát các bệnh liên quan đến dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì...
Theo Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, các trường học cần bảo đảm xây dựng thực đơn bữa ăn khoa học, cân đối, hợp lý, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm.
Chế biến gồm có món xào, món mặn, món canh, món tráng miệng. Nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc. Gồm: nhóm thực phẩm giàu chất đạm (thịt, cá, thủy sản, trứng, đậu đỗ...), chất béo (dầu ăn, mỡ), chất bột đường (cơm, mì, phở, bún...), rau, trái cây, sữa. Thực đơn mang tính khả thi, chế biến hợp lý bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định và điều kiện của từng cơ sở.
Ngoài ra tại các bếp ăn bán trú của các trường học cần đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục qua đó nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Liên quan đến tầm quan trọng của bữa ăn học sinh, Pháp luật & Xã hội dẫn thông tin từ Viện dinh dưỡng quốc gia, chế độ dinh dưỡng đúng, đủ, hợp lý sẽ giúp cơ thể phát triển tối ưu cả về thể chất và tinh thần. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng không đủ, không đúng, không hợp lý sẽ mất tính cân đối các chất dinh dưỡng dẫn tới các bệnh thiếu - thừa dinh dưỡng, các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng…
Bữa ăn của học sinh cần có đủ 4 nhóm thực phẩm và đa dạng nhiều loại thực phẩm, bảo đảm nhu cầu cả về số lượng, chất lượng và tỉ lệ cân đối của các thành phần dinh dưỡng.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì bữa ăn bán trú của trường mẫu giáo cung cấp khoảng 55-60% nhu cầu năng lượng của cơ thể trẻ trong 1 ngày.
Đối với những trường tiểu học không ăn bán trú hoặc ăn bán trú không có bữa phụ: cha mẹ cần đảm bảo cung cấp tối thiểu cho trẻ đủ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng đi học; Bữa sáng và bữa trưa cung cấp 35% và bữa tối cung cấp 30% nhu cầu năng lượng của cả ngày.
Đối với những trường tiểu học ăn bán trú có bữa phụ có thể phân bố thành 4 bữa: Bữa sáng năng lượng từ 25-30%, bữa trưa năng lượng từ 30-40%, bữa xế chiều năng lượng từ 5-10%, bữa tối năng lượng từ 25-30% nhu cầu năng lượng cả ngày.
Thùy Dung (t/h)