Chuyên gia tâm lý – TS. Lý Thị Mai: ‘Cần nhất là đạm… tình yêu’

CTV
Cuộc sống vội vã ở các đô thị khiến ít nhiều gia đình thiếu vắng những bữa cơm chung. Hãy cùng chuyên gia tâm lý – TS. Lý Thị Mai xem xét các yếu tố có thể giúp những bữa cơm thêm đủ đầy dinh dưỡng và thương yêu trọn vẹn.

Chuyên gia Lý Thị Mai: Người “nhạc trưởng” của gia đình luôn biết chọn thức ăn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng phù hợp với cơ địa của từng thành viên trong nhà. Ảnh: TL

Thưa bà, với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các đối tượng khác nhau, xin bà cho biết điều gì khiến bà tâm đắc nhất khi phát hiện ra những bí mật của các gia đình “gói ghém” trong các bữa ăn?

Tôi may mắn được tiếp xúc với khá nhiều đối tượng. Mỗi đối tượng đều có những điểm độc đáo khác nhau nhưng ở họ đều có một điểm chung là rất chú trọng đến bữa cơm gia đình. Tôi nhận ra hầu hết những gia đình hạnh phúc đều có những bí quyết riêng được “gói ghém” trong các bữa ăn, đó là họ không bao giờ quên “nêm” vào các món ăn một chút yêu thương và sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình một cách sâu sắc.

Nếu được mời đến dùng cơm ở nhà hàng, nhà bạn bè, nhà… quê, bà thích bữa cơm nào? Vì sao?

Mỗi địa điểm dùng cơm có ý nghĩa riêng vì thường gắn với một mối quan hệ xã hội tốt đẹp nên tôi thường rất vui vẻ nhận lời dùng cơm ở các địa chỉ khác nhau.

Tuy nhiên, mỗi khi có dịp được về quê của bằng hữu, họ hàng thì tôi đều rất thích thú với các món ăn ngon – lành ở nhà… quê. Đặc biệt là sự hồn hậu, chân tình của mọi người tôi tiếp xúc sẽ khiến món ăn càng đậm vị hồn quê. Tôi quan niệm bữa ăn không chỉ là bữa ăn mà còn là tình cảm dành cho nhau.

Là chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ đánh giá bữa cơm “chất lượng” sẽ như thế nào?

Chất lượng bữa cơm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, kể cả kiến thức và tình cảm của người nội trợ trong việc chế biến, nấu nướng…

Chất lượng bữa ăn không chỉ đánh giá qua giá trị vật chất: thức ăn hiếm, lạ, đắt tiền mà cần phải dựa vào tiêu chí của khoa học dinh dưỡng. Bữa ăn cần phải có đầy đủ các thành phần phù hợp với cơ địa của từng thành viên trong nhà.

Chất lượng của bữa ăn cũng còn phụ thuộc vào việc sử dụng nguyên vật liệu, cách nêm, nếm các gia vị một cách thích hợp. Đôi khi trong chỗ vô tình chúng ta lại sử dụng những thực phẩm, gia vị không hợp nhau điều này làm giảm chất lượng của bữa cơm gia đình. Ăn thực phẩm gì cũng quan trọng (chất lượng) nhưng quan trọng nhất là bầu không khí trong khi ăn.

Hãy tạo ra một bữa ăn vui vẻ, bình yên thì ăn gì cũng cảm thấy ngon vì thức ăn đã được biến dưỡng một cách tốt nhất.

Bữa cơm gia đình giúp cha mẹ và con cái thêm gần gũi, gắn kết hơn. Ảnh: ST

Nhìn cách chuẩn bị món ăn, thói quen ăn uống của mỗi gia đình, bà thường “đọc vị” được điều gì?

Khi chúng ta quan sát sự chuẩn bị bữa cơm, thói quen ăn uống của các thành viên, chúng ta có thể hình dung được lối sống, cách sống và văn hóa sống của mỗi gia đình khá rõ nét. Một chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ có thể là một nếp nhà được kế thừa từ thế hệ trước đến nay. Nói cách khác, chất lượng của bữa ăn được quyết định phần lớn từ sự hiểu biết, tình yêu thương của người vợ, người mẹ trong gia đình và sự hợp tác của chồng và các con. Chất lượng bữa ăn sẽ góp phần đem lại sức khỏe. Có sức khỏe sẽ có hạnh phúc để cùng tạo cho cuộc sống gia đình ổn định, phát triển lành mạnh.

Nếu cha mẹ, con cái có thói quen ăn uống khác nhau, theo bà những “chuyện nhỏ” này sẽ ảnh hưởng ra sao đến không khí gia đình?

Thường thì con cái sẽ ảnh hưởng thói quen ăn uống từ cha mẹ. Đặc biệt là khi các cháu còn nhỏ, khẩu vị hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ. Nhưng khi lớn lên, tùy thể trạng, sở thích các cháu sẽ có thay đổi trong cách ăn uống. Điều này cũng rất bình thường. Người mẹ sẽ là “nhạc trưởng” trong việc điều tiết sao cho mọi người ai cũng được ngon miệng. Tuy có hơi vất vả nhưng có sự vui vẻ nào mà không phải nhọc công. Kết quả sau cùng là đừng sợ ăn khác nhau mà ăn như thế nào để cả nhà đều khỏe, đều vui.

Là chuyên gia, Tiến sĩ và cũng là một người mẹ, bà đã áp dụng một chế độ ăn cho gia đình mình ra sao? Bà ưu tiên chọn bữa ăn với đạm thực vật hay đạm động vật hơn?

Các con chúng tôi đã trưởng thành và ở riêng nên hiện nay cả hai chúng tôi chọn cho mình chế độ ăn ba bữa một ngày:

- Bữa sáng: thay đổi tùy theo thời gian công việc để ăn nhanh hay thong thả, nhưng không thiếu một ly sữa đậu nành.

- Bữa trưa: bữa chính trong ngày với đầy đủ năng lượng cho đặc trưng lao động trí óc.

- Bữa tối: ăn thức ăn nhẹ với các loại rau củ quả… và một ly sữa.

Chúng tôi thường dung hòa các bữa ăn cân bằng giữa đạm động vật với đạm thực vật nhưng khi bắt đầu có tuổi, tôi ưu tiên bổ sung bữa ăn bằng đạm thực vật nhiều hơn.

Chuyên gia Lý Thị Mai: “Bữa tối tôi thường ăn nhẹ với các loại rau củ quả và một ly sữa”. Ảnh: TL

Theo bà, làm sao để mọi người cùng có thói quen ăn uống lành mạnh và bữa cơm trở thành nơi cung cấp dinh dưỡng cả thể chất lẫn tinh thần?

Khi lập gia đình chúng ta đã có ý thức tạo dựng một tổ ấm riêng, vì thế để bữa cơm trở thành nơi cung cấp dinh dưỡng cho cả thể chất lẫn tinh thần, thì cả vợ chồng và con cái đều cần có sự thảo luận về bữa cơm gia đình, nhất là khi con cái đã lớn: Một ngày ăn chung mấy bữa? Ăn như thế nào? Khi nào đi ăn ở ngoài?

Tùy mỗi gia đình sẽ có nhiều cách khác nhau, nhưng cần cùng nhau khẳng định: Bữa cơm gia đình vẫn là chính yếu vì đây là nơi kết nối mọi người với nhau, là trách nhiệm và bổn phận chung của mỗi thành viên để duy trì gia đình hạnh phúc.

Xin cảm ơn bà!