Clip nữ sinh bị đánh hội đồng, cảnh báo lối sống bạo lực trong giới trẻ

Do mâu thuẫn trên mạng xã hội, nữ sinh 16 tuổi bị nhóm người dùng tay, nón bảo hiểm, cây sắt đánh vào người.

Giải quyết mâu thuẫn bằng gậy sắt

Liên quan vụ clip ghi lại cảnh một nữ sinh tại Bình Phước bị nhóm người đánh hội đồng bằng gậy sắt và mũ bảo hiểm, theo thông tin mới nhất cho thấy, công an xác định, N.Q.A. (16 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) là học sinh trường THPT Lộc Ninh cùng bạn là N.T.K.A. (16 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh) có mâu thuẫn trong lúc nhắn tin trên Facebook với H.Y.V. (16 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh), đang là học sinh tại trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Ninh.

Để giải quyết mâu thuẫn, 14h ngày 21/3, N.T.K.A. điều khiển xe máy chở theo N.Q.A. tìm H.Y.V. để "giải quyết mâu thuẫn". Đến lô cao su thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, cả hai gặp Y.V. nên Q.A. xông vào dùng tay đánh V. khiến V. bị xước da đầu, sau đó Q.A. và K.A lên xe bỏ đi.

Đến 16h cùng ngày, K.A. và Q.A. đi đến đoạn đường nhựa thuộc khu phố Ninh Thịnh, thị trấn Lộc Ninh thì bị một nhóm đối tượng có cả nam, nữ (chưa xác định được lai lịch) chặn đầu xe lại.

Trong nhóm này có H.Y.V., T.T.Y.V. (16 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh) cùng một người khác tên L. (chưa rõ lai lịch), thấy Q.A. nên nhóm này dùng tay, nón bảo hiểm, gậy đánh vào người, đầu Q.A..

Thấy người dân đi ngang qua, nhóm của H.Y.V. lên xe bỏ đi. Q.A. được người thân đưa đến trung tâm y tế huyện Lộc Ninh khám và đến công an trình báo sự việc sau đó. Qua thăm khám, đầu và người của Q.A chỉ sưng nhẹ và hơi đau, chưa phát hiện thương tích.

Nhận tin báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Ninh đã kết hợp Công an thị trấn Lộc Ninh tiến hành xác minh, làm việc với K.A, Q.A và những người có liên quan.

Công an còn truy tìm H.Y.V, T.T.Y.V. và L. và những đối tượng có liên quan trong vụ việc để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, chiều 22/3, trao đổi với báo chí, lãnh đạo trường THPT Lộc Ninh (thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh) xác nhận, nữ sinh bị đánh hội đồng trong video clip phát tán trên mạng xã hội chính là học sinh của trường. Lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với sở Giáo dục – Đào tạo Bình Phước và Công an thị trấn Lộc Ninh để điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.

Theo báo cáo của trường THPT Lộc Ninh, lúc 16h ngày 21/3, tại khu vực gần nhà thờ huyện Lộc Ninh, em N.Q.A. (học sinh lớp 10A9, trường THPT Lộc Ninh) bị một nhóm người đánh và quay clip rồi sau đó phát tán clip này trên Facebook.

Ngày 22/3, trên Facebook lan tràn video clip dài hơn 1 phút phản ánh việc một em gái bị một số đối tượng nữ dùng gậy, mũ bảo hiểm đánh vào đầu nạn nhân. Dư luận xã hội bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động côn đồ, xem thường pháp luật của nhóm đối tượng nữ trong clip.

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân

Liên quan đến những vụ học sinh bị bạn đánh hội đồng xảy ra gần đây, cô giáo Lê Định (giáo viên THCS tại Nam Định) cho rằng, bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở những vụ xích mích, bắt nạt đơn thuần giữa học trò với nhau. Thời gian gần đây, nó đã trở thành vấn nạn, thậm chí biến tướng với muôn hình vạn trạng, với cách hành xử nhuốm màu bạo lực, đậm chất giang hồ. Học sinh kết bè, kéo cánh thành băng nhóm, sẵn sàng đánh nhau vì những lý do không đâu, chỉ nhằm mục đích ra oai, dằn mặt.

Theo điều tra của chuyên gia xã hội học, 80% số vụ xô xát giữa các em học sinh bắt nguồn từ xích mích nhưng thay vì tìm cách giảng hòa, các em đã chọn nắm đấm và nguy hiểm hơn là dùng hung khí. Hậu quả để lại luôn rất nghiêm trọng. Với những nạn nhân là nỗi đau về thể xác và vết thương khó bề liền sẹo về tinh thần. Với gia đình là không khí căng thẳng, là sự đau đớn khi con cái bị thương tích, thậm chí mất mạng. Với trường học là cảm giác nặng nề, bất an luôn bao trùm. Với xã hội là sự lệch lạc của những quy chuẩn đạo đức, an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa.

Hậu quả của hành vi bạo lực học đường đang gây chao đảo trong đời sống tâm lý của học sinh, gia đình, của nhà trường và xã hội. Do vậy, các bậc phụ huynh, thầy cô, tổ chức xã hội, các em học sinh... cần có nhận thức sâu sắc, đúng đắn, quyết tâm đẩy lùi bạo lực học đường, để giữ cho môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, để các trò “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Nhận định về nguyên nhân, Thạc sĩ Hương Thảo (nguyên chuyên gia tâm lý tại trung tâm Tư vấn tâm lý, tình cảm Linh Tâm) cho rằng: “Rất nhiều lý do được các cơ quan chức năng, các chuyên gia mổ xẻ. Từ tác động xấu bên ngoài xã hội tới sự buông lỏng trong quản lý của gia đình, từ ảnh hưởng độc hại của phim ảnh, văn hóa phẩm ngoài luồng đến thiếu hụt những kiến thức kỹ năng sống cần thiết... Tuy nhiên, còn một nguyên nhân xuất phát từ tâm lý lứa tuổi của học sinh. Độ tuổi ấy, các em đang trong giai đoạn hình thành, phát triển tâm lý và thể chất, chúng luôn hiếu động, tìm mọi cách thể hiện bản thân. Khi phải chịu nhiều áp lực căng thẳng gây nên những rắc rối trong đời sống tâm lý, nếu không nhận được sự khuyên bảo, chỉnh đốn kịp thời, các em dễ rơi vào những hành động quá khích, khó kiểm soát”.

Minh Ngọc - Cự Giải

Theo Đời sống & Pháp luật