Trả lời:
1. Theo Điều 35 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký khai sinh như sau:
“Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch”.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn là công dân Việt Nam, chồng bạn là người nước ngoài và con bạn được sinh ra tại Việt Nam. Do đó, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú có thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con của bạn.
2. Về khái niệm nơi cư trú của công dân được quy định tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013 như sau:
“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.”
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì nếu bạn thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại thành phố Đà Nẵng và đã đăng ký tạm trú ở Đà Nẵng, hiện nay pháp luật cũng không quy định cụ thể về thời gian tạm trú bao lâu thì mới được đăng ký khai sinh cho con tại nơi tạm trú nên bạn hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho con bạn tại UBND cấp huyện tại Đà Nẵng.
3. Về thủ tục đăng ký khai sinh cho con được quy định tại Điều 36 Luật Hộ tịch:
a. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.
b. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch.
c. Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Trong đó, nội dung đăng ký khai sinh bao gồm những thông tin được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch:
a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh…. Trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung này.