Có được hưởng chế độ thai sản và bảo hiểm thất nghiệp cùng một lúc không?

Tôi giao kết hợp đồng không xác định thời hạn với Công ty TNHH MTV ACB và nghỉ thai sản từ ngày 01/04/2022 đến hết 01/10/2022, vì một số lý do nên tôi xin nghỉ việc từ ngày 02/10/2022 và được công ty thống nhất cho nghỉ việc. Trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt Hợp đồng lao động, tôi đã đóng đủ 16 tháng BHTN. Vậy tôi có được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ Điều 49 Luật việc làm 2013, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đủ các điều kiện sau:

– Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc có xác định thời hạn theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013.

– Chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

– Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.

– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp nêu tại khoản 4 Điều 49 Luật Việc làm 2013.

Khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP như sau:

“2. Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

c) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

d) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

đ) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, đối chiếu theo quy định pháp luật thì khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, có thể nộp hồ sơ để được giải quyết và việc hưởng trợ cấp thai sản không ảnh hưởng đến trợ cấp thất nghiệp.

Nguyễn Thị Lan Anh – Công ty Luật FDVN