Báo Công lý dẫn thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận bệnh nhân H.T.H.N. (18 tuổi, trú tại Trùng Khánh, Cao Bằng).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, bồn chồn cùng các triệu chứng sợ nước, sợ gió, sợ tiếng ồn, được Bệnh viện Đa khoa Trùng Khánh chuyển tuyến với chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Theo lời kể của người nhà, khoảng gần 2 năm trước, cô gái bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng dại. Đến 2 ngày gần đây, bệnh nhân đột ngột xuất hiện nôn khan nhiều kèm theo kích thích, hoảng loạn.
Sau khi thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán cô gái mắc bệnh dại. Bệnh nhân tiến triển xấu và tử vong vào sáng ngày 19/10.
Thông tin trên báo VnExpress cho biết, người dân thường quan niệm tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ nên không tiêm vaccine dại khi bị chó cắn. Đến khi phát cơn dại thì không thể cứu được nữa. Thực tế, vaccine phòng dại thế hệ mới là vaccine vô bào, chất lượng tốt và không ảnh hưởng đến trí não hay hệ thần kinh của người được tiêm phòng.
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, cào, liếm của con vật mắc bệnh dại lên vùng da tổn thương. Bệnh dại trên người có thể dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.
Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm, như bệnh nhân này phát dại sau hai năm. Khi đó, vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí nhiều người đã quên mất từng bị chó cắn.
Từ trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào vết thương hở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại. Nhà có trẻ em cần quan sát, trông nom cẩn thận, không nên cho chơi chung với chó, mèo. Nhà nuôi chó mèo bắt buộc phải tiêm phòng dại