Cô gái “mát tay” trồng cây nào cây nấy quả sai lúc lỉu, dưa hấu nặng tới 9.5kg, sân vườn sạch hơn cả nền nhà

Sở dĩ vườn rau quả của cô nàng Kiên Giang xanh, đẹp và ngon đa phần là do chị dùng phân hữu cơ như phân dê, phân trùn quế, phân dơi, và đặc biệt là 2 loại phân chị tự ủ là phân đạm cá cô đặc và phân trứng sữa. 

Không chỉ phục vụ rau sạch cho bữa ăn gia đình, vườn còn là nơi cả gia đình vui chơi thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Đó cũng là điều chị Huỳnh Đỗ Mỹ Tú (sống tại huyện An Minh, Kiên Giang) hướng đến khi làm vườn trên sân thượng. Song không giống với nhiều gia đình khác, việc làm vườn với chị Tú lại “khá nhàn” vì đây chính là “sở trường” của chị.

Khu vườn xanh mướt mắt của cô nàng Kiên Giang đảm đang. 

Khu vườn 4.0, đi công tác gần tháng trời cây vẫn xanh mướt 

Chị Mỹ Tú làm nghề thiết kế thi công vườn rau sạch và tư vấn kỹ thuật trồng rau sạch. Hiện chị là phó giám đốc một công ty dịch vụ nông nghiệp ở huyện An Minh, và là admin của một group trồng rau sạch tại nhà với gần 900 nghìn thành viên. 

Không làm theo phương pháp truyền thống, cô nàng này áp dụng công nghệ khi làm vườn, tạo nên một khu vườn 4.0 nên cho dù đi công tác 10-20 ngày cây ở nhà vẫn đảm bảo xanh tốt, không lo héo úa. Chị Mỹ Tú chia sẻ: “Thời buổi hội nhập phát triển, áp dụng công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực trong cuộc sống, giúp mọi việc thuận tiện và hiệu quả hơn là điều cần thiết. Do bản thân tôi học chuyên ngành Khoa học cây trồng nên tôi đầu tư trồng rau quả bài bản ngay từ đầu”.

Cụ thể, chị đầu tư nhà màng được lợp mái bằng nilon và tấm polycarbonate đặc ruột, xung quanh chăng lưới chống côn trùng, bên trong lắp quạt đối lưu điều hoà không khí và hệ thống làm mát hơi nước cảm biến nhiệt. Nhà màng này sẽ giúp cây trồng được bảo vệ trong điều kiện tốt nhất mà không lo sâu bệnh hại tấn công, chị cũng không phải mất thời gian bắt sâu, phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, như vậy cũng yên tâm hơn về chất lượng rau, củ, quả. Tuy nhiên, do nhà màng cách ly côn trùng nên chị phải tự tay thụ phấn cho các loại cây bầu, bí, mướp, dưa,… 

Về hệ thống chậu trồng cây, vì muốn đầu tư khu vườn của mình chỉnh chu chút nên chị đã chọn chậu ghép nhựa dẻo. Với loại chậu này, chị có thể bố trí liền mạch giúp khu vườn có tính thẩm mỹ cao, vừa giúp chị lắp đặt hệ thống tưới phân nước tự động được tiện lợi, dễ dàng hơn. 

Khu vườn 4.0 được trang bị nhà màng, hệ thống tưới nước bón phân tự động và hệ thống làm mát hơi nước cảm biến nhiệt.

Khu vườn trên sân thượng không làm ảnh hưởng tới tổng thể căn nhà. 

Bên cạnh đó, chị còn lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động được hẹn giờ chuyên biệt cho từng loại cây. Hệ thống này được kết nối trực tiếp với điện thoại, nên dù chị đi vắng lâu ngày hoặc vì bận rộn công việc mà không chăm sóc thường xuyên được thì cây vẫn được cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng. 

Vì đặc thù công việc tôi phải đi xa nhà thường xuyên, nên lắm khi các loại quả chín quá rồi tự rụng xuống, mọc cây mới luôn. Có khi tôi về nhà thì giàn dưa lưới trĩu quả đã sập xuống, nằm bẹp dưới đất rồi”, chị Mỹ Tú cười kể. 

Ngoài ra, để tránh nước từ vườn rau chảy xuống sàn gạch men gây bong tróc, thấm vào tường nhà, chị Mỹ Tú còn tự thiết kế hệ thống cấp thoát nước âm sàn. Chị còn lát gạch bóng và dùng hệ thống sắt kê chậu cao 30cm để vừa dễ dàng vệ sinh vừa đủ tầm với người chăm cây. 

Khu vườn của chị Mỹ Tú rộng 60m2. Để hoàn thành vườn rau này, chị mất khoảng 10 ngày. 

Sàn được lát gạch, sạch hơn cả nền nhà. 

Khu vườn với gần 100 loại rau quả, dưa hấu nặng gần 10kg đứt cả dây

Vườn thông minh của chị Mỹ Tú được chia thành 3 khu. Chính giữa trồng các loại rau theo mùa, hai bên làm giàn leo trồng dưa, đậu, dưa chuột,… và cuối vườn bố trí một khu giàn ngang để trồng dưa hấu, mướp đắng hay cà chua. Lối đi giữa các luống cách nhau khoảng 70-120 cm, thuận tiện cho việc di chuyển.

Lối đi giữa các luống cách nhau khoảng 70-120 cm, thuận tiện cho việc di chuyển.

Hiện tại khu vườn của chị Mỹ Tú có đến gần 100 loại rau quả, đa dạng từ trong nước cho đến nước ngoài như súp lơ vàng chanh, xà lách Nhật, dưa hấu Big Japan, cải kale, cải Beijing,… phục vụ đủ cho nhu cầu gia đình và biếu tặng cho bạn bè, hàng xóm. 

“Vườn rau của tôi có nhiều loại rau quả, tôi vừa ăn vừa biếu tặng bạn bè. Vào dịp Tết, tôi thường trồng dưa lưới khắc chữ tạo hình để nâng cao giá trị và bán lấy tiền tặng cho các cụ già neo đơn và trẻ em nghèo bị bệnh ở địa phương”, nữ phó giám đốc chia sẻ.

Cô nàng cho biết thêm, chị từng trồng được quả cà chua “khổng lồ” nặng hơn 1kg, quả dưa hấu nặng tới 9,5kg. Nhưng chị Mỹ Tú cho dưa hấu leo giàn thay vì cách bò truyền thống nên lắm lúc đứng dưới giàn chụp ảnh thôi chị cũng cảm thấy hồi hộp, bất an. Mà thực tế, đã có lúc dưa hấu chín nặng quá đứt cả dây rồi. 

Sở dĩ vườn rau quả của cô gái Kiên Giang xanh, đẹp và ngon đa phần là do chị dùng phân hữu cơ như phân dê, phân trùn quế, phân dơi, và đặc biệt là 2 loại phân chị tự ủ là phân đạm cá cô đặc và phân trứng sữa. 

Trong vườn có rất nhiều loại rau xanh khác nhau. 

Dưa hấu nặng tới 9,5kg, cà chua quả to nhất từng nặng tới hơn 1kg do chị Tú trồng. 

Tôi thích trồng dưa lưới bón phân trứng sữa, quả ăn rất ngon và khác biệt. Ai đã ăn dưa lưới tôi trồng, họ thường gọi tôi với cái biệt danh “nữ hoàng dưa lưới trứng sữa”. Thực ra từ 3 năm trước, tôi đã ứng dụng phân trứng sữa trồng dưa lưới nhằm tăng hương vị thơm ngon đặc sắc. Hiện tôi vẫn duy trì phương pháp này và chia sẻ cho mọi người cùng trồng đến bây giờ”, chị Mỹ Tú kể. 

Công thức ủ phân trứng sữa từng được chị Mỹ Tú chia sẻ trên các hội nhóm trồng rau để tạo ngọt, lên màu thịt đậm, tăng hương vị thơm ngon cho dưa lưới. Để tiết kiệm chi phí, chị thường mua lại trứng bị dập, sữa cận date hoặc hết hạn. 

Dưa nhà chị Tú trồng cây nào cấy nấy quả sai lúc lỉu, quả ngon ngọt rất khác biệt. 

Để ủ phân trứng sữa, đầu tiên cần chuẩn bị thùng có nắp đậy, xả nước máy cho bay hơi 1 ngày. Chị cho 100-200 trứng bị dập (cả vỏ) vào thùng rồi cho 50-200l sữa tươi hoặc sữa đậu nành vào (nếu cho sữa bột thì thêm 50l nước) rồi khuấy đều. 

Tiếp theo, cho 1 vỉ sữa chua không đường (hoặc thay bằng vi sinh gốc ủ trước càng tốt), 5-10 gói men tiêu hóa hoặc 1 vỉ men uống probi, 2-5 lít rỉ mật, 1 gói Emzeo, có chuối chín cũng có thể cho thêm vào. Khuấy thật đều rồi đậy nắp lại. Lưu ý, tỷ lệ nguyên liệu ủ tự tăng giảm tùy theo thực tế sử dụng. 

Nguyên liệu chị Mỹ Tú ủ phân trứng sữa. 

Ngoài ra, hỗn hợp phân trứng sữa đậm đặc nên quá trình lên men rất mạnh nên cần đổ hỗn hợp cách mặt thùng 30cm để khi lên men không bị trào ra ngoài làm thất thoát. 3 ngày đầu nên mở nắp và khuấy đều ngày 1 lần. Sau đó 1 tuần khuấy 2 lần rồi giảm dần đến khi sử dụng được. 

Thường sau 1-2 tháng là có thể dùng được, còn nếu ủ với vi sinh gốc thì chỉ 3 tuần là dùng được. Bạn cũng có thể lấy phân trứng sữa này làm vi sinh gốc cho những lần ủ sau để thay thế sữa chua.

Về humic tạo ngọt, bạn nên chọn dòng humic có hàm lượng từ 80% rong biển và 10-12% kali. Tỷ lệ pha hỗn hợp humic trứng sữa như sau: 1-2 lít phân trứng sữa đậm đặc + 300-500g humic cho 300-1000l nước tưới cây. 

CẨM TÚ