Cô gái miền Trung sở hữu cái tên độc nhất vô nhị, chỉ cần xướng lên ai cũng phải bật cười

CTV
Lớn lên, Thúy Việc đi học đôi khi bị bạn bè đùa vui, toàn gọi "Việc làm ơi!" hoặc "rách Việc à". Cô nàng khá ái ngại và ngượng ngùng nhưng dần dần cũng quen với cảm giác đó.

Theo quan niệm truyền thống, tên là sự gửi gắm ước mơ và hi vọng của bậc làm cha mẹ dành cho con mình. Cái tên hay, tươi sáng sẽ báo hiệu sự mở đầu cho một cuộc đời nhiều may mắn, thành công. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, có một cái tên đẹp sẽ là lợi thế trong giao tiếp.

Thực tế có nhiều người lẽ ra sở hữu cái tên thật hay thật mĩ miều nhưng vì lý do nào đó đã mang cái tên "dở" suốt cả cuộc đời! Điển hình như những cô gái và chàng trai dưới đây.

Cô gái có tên vô cùng... dở

Tại Điện Bàn (Quảng Nam) có một cô gái sở hữu nhan sắc xinh đẹp, từng "gây sốt" mạng xã hội một thời gian. Song cô nàng lại có một cái tên rất kỳ quặc - Lê Thị Thúy Việc.

Hỏi ra mới biết, cô gái miền Trung này được cha mẹ dự định đặt tên Thúy Việt, tức nước Việt Nam trong trái tim tôi. Nhưng khi lên ủy ban nhân dân xã làm giấy khai sinh cho con, cha của cô nàng thay vì tự viết tên con gái lại đọc cho cán bộ tư pháp ghi.

"Người này không hiểu nghe như thế nào mà lại thành Thúy Việc, tức việc làm. Lúc đó cha cũng không để ý nên cứ thế cầm giấy khai sinh về nhà. Chỉ đến khi mẹ mình cần giấy để làm một số giấy tờ mới ngã ngửa con gái cưng tên Việc chứ không phải Việt. Khi đó mọi chuyện đã rồi, mình có ngay cái tên chẳng giống ai", cô gái sinh năm 1992 tâm sự.

Cô gái tên Lê Thị Thúy Việc.

Lớn lên, Thúy Việc đi học đôi khi bị bạn bè đùa vui, toàn gọi "Việc làm ơi!" hoặc "rách Việc à". Cô nàng khá ái ngại và ngượng ngùng nhưng dần dần cũng quen với cảm giác đó. Cô tâm niệm cái tên hay ai cũng thích cũng muốn nhưng giờ quá đại trà. Tên dở như cô nàng lại có thể gây ấn tượng với người đối diện ngay từ buổi gặp đầu tiên.

Hàng loạt học sinh có tên... sai chính tả

Chị Quỳnh Chang (35 tuổi, Bến Tre) - giáo viên tại một trường THPT Mỏ Cày Nam cho biết, hơn 15 năm giảng dạy chị gặp rất nhiều học sinh có cái tên không giống ai, thậm chí còn không xuất hiện trong từ điển như Da bảo, Minh Vủ, Minh Chuyễn...

"Ban đầu, tôi tưởng Ban giám hiệu nhà trường đánh máy nhầm tên các em rồi gửi cho giáo viên bộ môn. Đến khi vào lớp buổi đầu tiên, tôi gọi Gia Bảo, Minh Vũ, Minh Chuyên lên bảng thì chẳng có em nào chịu lên. Tôi bực mình quá, gọi đi gọi lại vẫn không thấy ai cả? Tôi buộc phải hỏi lớp có ai tên như vậy không thì học sinh lắc đầu? Tôi đành gọi theo đúng tên trong sổ thì các em lần lượt đứng dậy. Hóa ra các em tên thật trong giấy khai sinh là thế, chứ không phải nhà trường đánh máy sai", cô giáo Quỳnh Chang nói.

Theo cô giáo Quỳnh Chang, tên của học trò cô ban đầu đều đúng chính tả nhưng cán bộ hộ tịch đã viết sai vài tờ giấy khai sinh. Vì thế các em phải gắn liền với tên đó suốt cả cuộc đời.

"Tất cả giấy tờ của các em đều được ghi đúng chính tả nhưng phải làm lại toàn bộ vì không trùng với khai sinh. Thật sự chỉ vì sự thiếu sót của cán bộ hộ tịch mà làm khổ biết bao người", cô gái miền Tây tâm sự.