“Có những bác sĩ âm thầm bỏ tiền túi mua sinh phẩm y tế, thuốc”

Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, sự thật là cán bộ y tế- những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh đã và đang chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía.

Vướng cơ chế chính sách

Các vấn đề về lĩnh vực y tế như nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc, thiếu trang thiết bị vật tư y tế… được các ĐBQH quan tâm, cho ý kiến thảo luận tại tổ trong chương trình kỳ họp thứ 4.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 22/10 về nội dung này, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, qua quá trình khảo sát thực tế, tiếp xúc cử tri tri, ý kiến của nhân dân cho thấy còn có những điểm vướng mắc cần có sự quan tâm tháo gỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Trong đó, có những vấn đề liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công, bao gồm những chính sách, quy định liên quan đến việc chi trả, đầu tư mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế  phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh và các nội dung liên quan đến cơ chế tự chủ đối với các cơ sở y tế công.

Tiêu điểm - “Có những bác sĩ âm thầm bỏ tiền túi mua sinh phẩm y tế, thuốc”                                        ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu).

“Có thời điểm khó khăn, cấp bách trong công tác điều trị bệnh nhưng thiếu thuốc, vật tư y tế người nhà bệnh nhân phải tự mua hoặc đối với những trường hợp khó khăn, cấp bách đã có nhiều trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế âm thầm tự bỏ tiền túi để mua sinh phẩm y tế, thuốc để kịp thời cứu chữa những ca bệnh nặng, cấp cứu hay những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Những việc như vậy không ai kể để dư luận biết và chia sẻ. 

Nhưng sự thật là cán bộ y tế- những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh đã và đang chịu áp lực rất lớn từ cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và từ áp lực công việc do vướng những cơ chế chính sách như hiện nay”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, cơ chế tự chủ tại các bệnh viện là tốt, song qua thời gian đại dịch đã bộc lộ những hạn chế, điểm nghẽn đối với các sở y tế công thực hiện cơ chế tự chủ, cần được quan tâm nhiều hơn để tháo gỡ, điều chỉnh phù hợp nhằm phát huy hiệu quả của chính sách.

“Đối với xã hội hóa y tế, nếu không có đường hướng chính xác, không tổng kết để xem đúng sai như thế nào để áp dụng mà cứ để các đơn vị tự bơi thì “giáo dục ăn vào học sinh”, “y tế ăn vào người bệnh”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) nói.

Tập trung khắc phục

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngay sau khi được bổ nhiệm phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ việc cán bộ y tế nghỉ việc là hiện tượng đã xảy ra trong thực tiễn.

Lý do được Bộ trưởng đưa ra là sau thời gian chống dịch kéo dài, nhân viên y tế làm việc căng thẳng, có người không có ngày ngày nghỉ, rất áp lực.

“Trong bối cảnh khó khăn như vậy, cũng có người có áp lực trong công việc, nhu cầu của gia đình muốn nghỉ nơi. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từchế độ đãi ngộ, phụ cấp, chế độ tiền lương đối với nhân viên y tế chưa đáp ứng, đảm bảo nhu cầu”, Bộ trưởng cho biết.

Tiêu điểm - “Có những bác sĩ âm thầm bỏ tiền túi mua sinh phẩm y tế, thuốc” (Hình 2).                                    Cán bộ y tế nghỉ việc là hiện tượng đã xảy ra trong thực tiễn.

Để tập trung khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Bộ đang rất tích cực phối hợp với bộ, ngành để đề xuất với Đảng, Chính phủ, Quốc hội để làm sao cải thiện chế độ tiền lương cho đội ngũ nhân viên ngành y tế.

Trước mắt trình Nghị định 56 (sửa đổi) liên quan đến chế độ phụ cấp liên quan đến phụ cấp cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 27 về chính sách cải cách tiền lương, Bộ cũng có đề xuất đảm bảo tính phù hợp với nhân viên ngành y tế.

Bộ cũng rất mong muốn có những chính sách để đảm bảo nguồn nhân lực y tế trong dài hạn. Ngay từ chính sách thu hút sinh viên, học viên tham gia học tập trong lĩnh vực này bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao đòi hỏi chất lượng nhân lực nghành y tế rất quan trọng.

“Chúng tôi xác định phải đào tạo nhân lực từ đầu vào, cho đến vấn đề nâng cao chất lượng cho đội ngũ hiện nay, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và có những giải pháp hỗ trợ nhân viên y tế.

Một những trong giải pháp căn cơ là triển khai thực hiện những cơ chế về tài chính y tế để đảm bảo được điều kiện hoạt động đầy đủ của hệ thống y tế cơ sở. Theo tôi nghĩ chúng ta tập trung làm đồng bộ những giải pháp này sẽ tháo gỡ được bản chất những vấn đề khó khăn của ngành y tế hiện nay”, Bộ trưởng nói.

Bệnh viện tư không bao giờ mời bác sĩ dở

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy tâm tư, về nhân lực y tế nghỉ việc, thôi việc, trước ý kiến cho rằng bác sĩ chuyển từ công sang tư vẫn phục vụ nhân dân, ông Thức cho rằng điều này là đúng nhưng chưa đủ.

“Bệnh viện tư khi mời một bác sĩ bệnh viện công thì chắc chắn bác sĩ đó là tinh hoa, bác sĩ giỏi. Vì bệnh viện tư không bao giờ mời bác sĩ dở, đó là kinh doanh, là thương hiệu. Do đó, khi dịch chuyển như vậy người nghèo trong bệnh viện công bác sĩ trình độ giỏi giới hạn, còn tinh hoa giới y khoa lại dịch chuyển ra khối tư nhân. Người có điều kiện sẽ có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi nhiều hơn như vậy không có công bằng trong chăm sóc y tế, tạo sự mất bình đẳng chăm sóc y tế đối với người nghèo”, ông Thức nói.