Có niềm tin để cả năm 2023 tiêu hết 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, để giải ngân 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 là áp lực rất lớn, song vẫn có niềm tin để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra.

Giải ngân đầu tư công tích cực

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối 4/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2023 đã có bước cải thiện đáng kể, đạt 215.579 tỷ đồng - bằng 30,49% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối (2,74 điểm phần trăm) và số tuyệt đối (hơn 65.000 tỷ đồng, tăng 40%).

“Kết quả này cho thấy chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời cho thấy sự quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng như thể hiện nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc quan tâm đến tỉ lệ giải ngân đầu tư công”, ông Phương nói.

Kinh tế vĩ mô - Có niềm tin để cả năm 2023 tiêu hết 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo.

Theo ông Phương, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 khá lớn, khoảng 711.000 tỷ đồng. Đây cũng là nhiệm vụ lớn và nặng nề trong 6 tháng cuối năm, đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực để làm sao đáp ứng được cái mục tiêu giải ngân tối thiểu đạt 95% trong tổng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nói về khả năng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao, ông Phương nêu rõ, năm 2021, năm 2022 dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song kết quả giải ngân cơ bản đạt trên 90%

“Đây cũng chính là cơ sở để chúng ta có niềm tin từ nay đến cuối năm có thể giải ngân được mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra”, Thứ trưởng nhấn mạnh và nói thêm,

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, các dự án lớn, công trình giao thông trọng điểm đã được khởi công, cho thấy tín hiệu rất tốt khi việc giải ngân được thực hiện ngay lập tức, giúp cho khối lượng giải ngân đạt kết quả cao hơn.

Sức ép điều hành lạm phát đã giảm

Trả lời thêm về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cả năm 2023 mà Quốc hội giao, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực.

Với mức tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 3,72% - thấp hơn so với kịch bản đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023.

 

Với kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Nêu ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đạt được mục tiêu đề ra, ông Phương cho biết, sẽ tăng cường phân tích dự báo, theo dõi, nắm bắt chặt chẽ tình hình, diễn biến của quốc tế để từ đó có cơ sở đề xuất kịp thời các giải pháp ứng phó linh hoạt.

Tiếp đến, bám sát quan điểm của đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bởi đây là yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong nhóm giải pháp này, ông Phương cho biết sẽ tập trung điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt, có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình cải thiện lãi suất cho vay, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm thuế.

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Phương, sức ép về điều hành lạm phát từ nay đến cuối năm đã giảm. “Tốc độ tăng CPI 6 tháng đạt 3,29%, như vậy chúng ta vẫn còn nhiều dư địa từ nay đến cuối năm để thực hiện mục tiêu Quốc hội giao (4,5%)”, ông Phương nói thêm.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba, theo Thứ trưởng, là rà soát tất cả các động lực tăng trưởng. “Khi chúng ta tháo được các khó khăn, điểm nghẽn thì đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm động lực tăng trưởng”, ông Phương nêu rõ và nhấn mạnh sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vào tiêu dùng trong nước khi xuất nhập khẩu gặp khó.

PV