Theo VnExpress, cổ phiếu bị hủy niêm yết là cổ phiếu không còn được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trước đó, không được chuyển sàn hoặc có thể chuyển xuống Upcom để đảm bảo tính thanh khoản.
Pháp luật quy định 2 trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu gồm:
Hủy niêm yết tự nguyện: Doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết nếu trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông (không phải là cổ đông lớn) tán thành hủy niêm yết. Sau khi có quyết định chấp thuận của Sở Giao dịch Chứng khoán tối thiểu 2 năm, việc hủy niêm yết tự nguyện sẽ được thực thi.
Hủy niêm yết bắt buộc: Khi các mã cổ phiếu này không đáp ứng đủ điều kiện, quy định cho việc niêm yết chứng khoán (theo Nghị định 155 của Chính phủ). Một số lý do thường gặp dẫn đến việc cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc là vi phạm về luật chứng khoán, không hoạt động kinh doanh từ một năm trở lên, kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin...
Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về giá trị sở hữu cổ phiếu, nhưng giá trị tài sản của cổ phiếu và tính thanh khoản có thể bị ảnh hưởng. Vấn đề lớn nhất của các cổ đông nhỏ là rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt. Do vậy, không ít nhà đầu tư lúng túng và khó kiểm soát tâm lý đầu tư ở giai đoạn này.
Về quyền lợi của nhà đầu tư, theo An ninh thủ đô, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, quyền lợi với tư cách cổ đông của công ty không đổi.
Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán, được hiểu như cổ phiếu bị ‘treo’, bị ‘đóng băng’, không thể chuyển đổi thành tiền mặt được.
Theo khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, khi cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để nhà đầu tư có thể tiếp tục mua bán cổ phiếu tại đây.
Bên cạnh đó, khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về quyền sở hữu đối với cổ phiếu, vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, việc giao dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi việc tài khoản của mình bị thua lỗ bởi trên thực tế mức giá giao dịch tại UPCOM thường thấp hơn khá nhiều so với sàn HOSE và HNX.
Mặt khác, Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020 quy định, tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120, Điều 121 Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên hệ thống giao dịch UPCOM.
Theo đó, các tổ chức có cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc có thể đăng ký niêm yết cổ phiếu lại sau ít nhất 2 năm hoạt động trên hệ thống giao dịch UPCOM theo thủ tục mà pháp luật quy định.
Cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng không phải huỷ giá trị nên không có nghĩa nhà đầu tư mất trắng. Song, giá trị cổ phiếu còn đạt mức cao hay giữ được thanh khoản hay không và quyền lợi nhà đầu tư được đảm bảo như thế nào vẫn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Luật sư Hà khuyến cáo, khi đầu tư chứng khoán, để tránh rủi ro, các nhà đầu tư cần chú ý và liên tục cập nhật các thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhà đầu tư không nên mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không minh bạch, có dấu hiệu “thổi” giá hoặc đang trong diện kiểm soát. Khi nhận thấy cổ phiếu có khả năng bị huỷ do lỗi từ phía công ty thì nên bán ngay tại thời điểm tình hình kinh doanh không tốt nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Vân Anh (T/h)