Cổ phiếu NVL "thăng hoa", tỷ phú Bùi Thành Nhơn kiếm 17.000 tỷ đồng trong 6 tháng

Mã cổ phiếu NVL của Novaland tăng gần gấp đôi từ đầu năm đến nay, giúp khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Bùi Thành Nhơn “nở” thêm hơn 17.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay khá "thăng hoa" khi VN-Index liên tục phá các "đỉnh" cũ. Kết quả này có được nhờ dòng tiền không ngừng đổ vào kéo theo đà tăng giá phi mã của nhiều mã cổ phiếu lớn. Nhờ đó, tài sản của các tỷ phú Việt trên sàn cũng tăng cao.

Trong phiên ngày 28/6, VN-Index xác lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 1.400 điểm. Động lực tăng của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có sự góp sức của mã cổ phiếu NVL khi có thời điểm trong phiên tăng lên 2%. 

Chốt phiên ngày 28/6, mã cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) ở mức 120.000 đồng/cp.

novaland1-1624957451.png

Kết thúc phiên ngày 28/6, cổ phiếu NVL ở mức 120.000 đồng/cp.

Quan sát diễn biến thị trường, có thể thấy, mã NVL đang trong giai đoạn tăng trưởng liên tục. Tính từ ngày 21 – 28/6, cổ phiếu Novaland tăng 16,4%, giúp mỗi cổ phiếu thêm 17.000 đồng. Với hơn 1,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Novaland "nở" thêm 25.094 tỷ đồng.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, là một trong những cá nhân hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng phi mã của cổ phiếu NVL. Theo đó, nhờ sở hữu hơn hơn 317 triệu cổ phiếu NVL (tương đương 21,58%), tài sản của ông Nhơn đã “phình” ra hơn 5.429 tỷ đồng. Như vậy, trung bình trong 6 ngày giao dịch vừa qua, tài sản của ông Nhơn tăng hơn 900 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị tài sản chứng khoán của ông Nhơn tăng hơn 17.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vợ và con trai ông là Cao Thị Ngọc Sương và Bùi Cao Nhật Quân cũng sở hữu lần lượt 80 triệu và 62 triệu cổ phiếu NVL tương đương với hơn 9.600 tỷ và 7.440 tỷ đồng. 

Từ giữa 2021, ông Nhơn bước vào top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện tài sản chứng khoán của ông Nhơn có khoảng 38.080 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Nhơn còn có những khoản “tài sản chìm” không hề nhỏ khi là người đứng đầu tại nhiều công ty khác liên quan tới Novaland như Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Novagroup; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Diamond Properties; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Anova Corp; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Doanh Bio-Pharmachemie; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Mclub; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Một thành viên Novagroup Leadership Center... 

Cách đây ít ngày, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của CTCP Anova, lãnh đạo công ty thống nhất đổi tên thành CTCP Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer Group), thông qua phương án chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và dự kiến niêm yết cổ phiếu lên HoSE. 

novaland-1624957488.jpg

Tập đoàn Anova tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 trực tuyến.

Anova xuất phát điểm là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn, được thành lập từ năm 1992, do ông Bùi Thành Nhơn sáng lập. Sau đó, năm 2007, doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc và hợp nhất thành 2 công ty: Anova và Novaland.

Như vậy, nếu Anova Corp được chính thức niêm yết trên HoSE, khả năng vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán sẽ có sự thay đổi. 

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2021, Novaland đề ra mục tiêu doanh thu thuần 27.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 447% và 5% so với thực hiện năm 2020.

Kết quả kinh doanh quý I/2021, Novaland đạt 4.507 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2020, với đóng góp lớn đến từ các dự án như: Saigon Royal, Victoria Village, Aqua City, NovaHills Mui Ne, NovaWorld Phan Thiet…và các dự án khác tại khu vực trung tâm TP.HCM.

Doanh nghiệp này cùng ghi nhận ghi nhận hơn 701 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương mức tăng 132% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật