Cổ phiếu vận tải biển "dậy sóng" nhờ đâu?

Nhờ hưởng lợi từ giá cước vận tải biển tăng cao kỷ lục và kết quả kinh doanh khấm khá trong quý 2/2021 đã giúp nhóm cổ phiếu vận tải biển “nổi sóng” trên thị trường.

Doanh nghiệp lãi lớn, cổ phiếu vận tải biển tăng vọt

Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp vận tải biển và các ngành liên quan đã nhanh chóng đón nhận với những thông tin tốt từ giá cước vận tải biển và tăng giá đồng loạt. Đáng chú ý, nhiều mã cổ phiếu lâu nay vẫn được xem là "con nuôi" của thị trường cũng bất ngờ "phi mã".

Đầu tiên, có thể kể đến như cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines) khi tăng giá kịch trần 6 phiên liên tiếp. Theo đó, giá cổ phiếu này tăng 122,4%, đóng cửa phiên 6/8 ở 34.700 đồng/cp. Đây là mức thị giá cao nhất của mã MVN kể từ khi giao dịch trên UPCoM vào ngày 8/10/2018.

Diễn biến tích cực của cổ phiếu MVN xuất hiện khi Vinalines công bố kết quả kinh doanh khởi sắc trong nửa đầu năm nay. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tổng công ty thu 6.041 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 40% so với nửa đầu năm ngoái.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu vận tải biển 'dậy sóng' nhờ đâu?

Trong cơ cấu doanh thu, hai mảng dịch vụ vận tải và dịch vụ cảng biển là “con gà đẻ trứng vàng” đem về nguồn thu lớn nhất cho doanh nghiệp, lần lượt đạt 253 tỷ đồng và 1.191 tỷ đồng. Kết quả, Vinalines báo lãi sau thuế hợp nhất 1.066 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ nhờ xu hướng tăng phi mã của giá cước vận tải.

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay cũng được xem là khởi sắc nhất trong nhiều năm trở lại đây. Song, tại ngày 30/6. Vinalines vẫn đang gánh khoản lỗ luỹ kế hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo sóng tăng giá của các cổ phiếu nhóm ngành vận tải biển, cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng có những pha tăng trưởng ngoạn mục. Chưa đầy một tháng, mã cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi từ 6.420 đồng/cp hồi giữa tháng 7 lên 10.600 đồng/cp trong phiên giao dịch chiều ngày 9/8.

Kết thúc nửa đầu năm, VOS ghi nhận doanh thu đạt 580 tỷ đồng, giảm 15% và hoàn thành 47% chỉ tiêu doanh thu (1.227 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 222,1 tỷ đồng, gấp 7,4 lần kế hoạch năm (30 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ lỗ 118,2 tỷ đồng.

Như vậy, kết quả này đã giúp VOSCO vượt xa cả mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm. Đáng chú ý, khoản lỗ lũy kế tính đến cuối quý II của VOS giảm xuống 699 tỷ đồng (lỗ lũy kế đầu năm là hơn 921 tỷ đồng).

Không nằm ngoài làn sóng tăng trưởng, cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng tăng mạnh. Trên thị trường, thị giá HAH tăng một mạch 225% sau nửa năm từ mức giá 15.000 đồng/cp hồi tháng 2 lên 52.000 đồng/cp.

Cổ phiếu tăng giá trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Vận tải và Xếp dỡ Hải An khả quan. Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 49% lên hơn 808 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kỳ. Như vậy, sau nửa năm, Hải An thực hiện 49% kế hoạch doanh thu và vượt 16% mục tiêu lợi nhuận.

Theo giải trình của ban lãnh đạo, nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng ngoạn mục này đến từ việc sản lượng đội tàu tăng dẫn tới sản lượng hoạt động khai thác cảng và depot tăng theo, cùng với đó, giá cước vận tải biển và giá cho thuê tàu cao hơn.

Giá cước vận tải biển chưa đạt đỉnh

Cổ phiếu nhóm doanh nghiệp vận tải biển từng bị đánh giá là "chết lâm sàng" khi giá cổ phiếu chìm sâu, gần như không có giao dịch. Song, thời gian gần đây nhóm cổ phiếu của ngành này lại có sự chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) cho thấy, việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tàu và kho bãi.

Bên cạnh nhu cầu tăng cao, sự thiếu hụt container rỗng cùng đẩy giá cước tăng mạnh và chưa có điểm dừng. Cụ thể, theo Cục Hàng hải Việt Nam đã cập nhật thông tin từ các hãng tàu trong nước, giá cước vận tải biển (đã bao gồm phụ phí) từ Việt Nam đi Mỹ với container 40 feet cao nhất là 14.250 USD/container; thấp nhất là 8.000 USD/container. Đến thời điểm này đã có ít nhất 4 lần điều chỉnh tăng, gấp 14 lần so với đầu năm 2020.

Cũng theo báo cáo triển vọng nửa cuối năm của Chứng khoán Agribank (Agriseco), khả năng nguồn cung về tàu chứa sẽ tiếp tục thấp trong những tháng tới đây. Cùng với đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa được kỳ vọng sẽ tăng lên trong hai quý cuối năm do đây là thời điểm có nhiều ngày lễ lớn như Giáng Sinh, năm mới.

Với tình hình như hiện tại, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng nguồn cung sẽ không đáp ứng được nhu cầu trong các tháng cuối năm, do vậy dự báo giá cước vận tải thủy quốc tế sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới.

Do vậy, theo các nhà phân tích Agriseco, các doanh nghiệp vận tải biển có thể được hưởng lợi nhờ việc nâng giá trị đội tàu, thanh lý các con tàu có tuổi đời lớn với mức giá cao, đồng thời tận dụng xu hướng chung để nâng giá cước tại thị trường nội địa.

Nhận định về giá cước vận tải biển, SSI Research đánh giá hiện nay có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường vận tải biển. Khó có thể nói chính xác mức độ tác động của mỗi yếu tố vào tình trạng này. Nhưng một số yếu tố chỉ mang tính chất tạm thời và chắc chắn sẽ đảo chiều trong thời gian thích hợp, trong khi một số yếu tố khác là khá dài hạn và sẽ không sớm thay đổi. Điều này cho thấy sự leo thang của các yếu tố ngắn hạn có thể đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao mới, mức giá cước cao như vậy sẽ không bền vững trong dài hạn.

"Giá cước có thể đạt đỉnh vào Quý 4/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch COVID-19. Theo Drewry, giá cước bình quân có thể tăng 23% trong năm nay và có thể giảm nhẹ khoảng 9% trong năm 2022 do nhu cầu trở lại mức bình thường, trong khi giá cước dài hạn dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trước dịch COVID-19, vì các hãng vận tải có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý nguồn cung và tăng hợp tác", SSI Research nhấn mạnh.

Phương Ly - Người Đưa Tin Pháp Luật