Cố tình không về địa phương sơ tuyển nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?

Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời cử tri tỉnh Nam Định về hướng dẫn xử lý việc cố tình không về địa phương sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.

Theo đó, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, với nội dung: “Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã bãi bỏ Điều 5 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính khi vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự do đó gây khó khăn cho các địa phương trong việc xử lý đối với các trường hợp thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự cố tình không về địa phương để tham gia tập trung sơ tuyển. Đề nghị Bộ Quốc phòng có giải pháp, hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện”.

Về nội dụng này, Bộ Quốc phòng cho biết, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về nghĩa vụ quân sự (NVQS) được quy định tại Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Nghị định số 37/2022/NĐ-CP).

Theo đó, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt hành chính lên nhiều lần so với trước đây, bổ sung, quy định cụ thể thêm các hành vi vi phạm về thực hiện NVQS, về biện pháp và thời gian khắc phục, phân định thẩm quyền xử phạt; đồng thời bãi bỏ xử phạt hành chính khi vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện NVQS, vì Luật NVQS năm 2015 chưa quy định hành vi vi phạm khi sơ tuyển NVQS là trốn tránh NVQS, do đó chưa có cơ sở quy định xử phạt hành chính khi vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu, phối hợp các ban, bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA, Thông tư số 148/2018/TT-BQP và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện pháp luật về NVQS cho phù hợp, sát với thực tiễn và bảo đảm pháp luật NVQS được thực hiện nghiêm minh.

Bộ Quốc phòng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp tại địa phương phát huy vai trò giám sát về nội dung thực hiện Luật NVQS, không để vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, để pháp luật về NVQS được thực thi nghiêm túc, phát huy hiệu quả tích cực, thiết thực tại địa phương.

T.M