Cô vợ gia trưởng khiến chồng trầm cảm vì “thà ghen nhầm còn hơn bỏ sót”

Xuất thân từ một gia đình có tư tưởng “nữ quyền”, cô vợ luôn muốn áp đặt mọi điều trong cuộc sống cho chồng con, thậm chí, luôn ghen tuông mất kiểm soát, khiến chồng bị trầm cảm.

Đây là câu chuyện được chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức (trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247) chia sẻ, khi đề cập đến những mâu thuẫn nổi bật thường có thể xảy ra trong các gia đình.

Người vợ gia trưởng kiểm soát chồng thái quá

Một gia đình với kinh tế khá giả, cùng hai cậu con trai ngoan ngoãn, chăm chỉ, cũng không có chuyện “người thứ ba” xen vào, đáng lẽ phải vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, không khí giữa hai vợ chồng anh Hoàng Duy (47 tuổi) và chị Lê Trang (39 tuổi) lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng.

Đã 15 năm, kể từ ngày anh chị về chung một nhà, song, số lần anh Duy có thể nở nụ cười và cảm thấy hạnh phúc thì có lẽ chỉ được đếm trên đầu ngón tay.

Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình luôn nặng tư tưởng “nữ quyền”, nên chị Trang luôn tâm niệm, phụ nữ lúc nào cũng phải là người nắm quyền trong gia đình. Vì lẽ đó, chị Trang giống như một ví dụ điển hình cho một người vợ “gia trưởng” ngay giữa lòng Hà Nội.

Với suy nghĩ ấy, chị Lê Trang luôn vạch sẵn những điều mình muốn làm, để chồng, hai con và thậm chí là cả mẹ chồng, phải thực hiện theo. Mặc dù, chị Trang không phải nguồn kinh tế chính trong gia đình, nhưng chị luôn cho rằng, vai trò của mình là quan trọng hơn cả và mọi thành viên trong gia đình đều phải tôn trọng điều đó. Và nếu ai có lỡ làm trái ý, chị Trang có thể sẵn sàng... ngồi nói ra rả về vấn đề đó cả ngày không thôi, để bắt buộc người đó phải thay đổi lại theo ý chị.

Có thể lấy một vài ví dụ nhỏ để thấy được, mọi việc lớn bé trong nhà đều phải theo sắp đặt của chị Trang: Từ chuyện nhỏ như kê một cái ghế sofa, nếu chị muốn kê bên trái thì chồng chị nhất định phải kê bên trái; lỡ có kê bên phải thì chị sẽ “phân tích” cả ngày để anh kê đúng vị trí chị mong muốn, mà kê xong nếu mặt chồng có tỏ thái độ không vừa lòng thì chị cũng sẽ tiếp tục “bài ca” đến khi nào chồng chị phải tươi cười phấn khởi mới thôi.

1583032468-cai-nhau-1582904875-width1000height750-1649008926.jpg
“Biệt tài” của chị Trang là có thể ca thán suốt nhiều giờ, nhiều ngày về một vấn đề mà người khác làm trái ý, buộc người khác phải theo ý mình bất kể đúng sai, mà vẫn phải nở nụ cười. (Ảnh minh họa).

Đến chuyện chọn trường học cho các con, dù con đã học đến cấp THPT, nhưng chỉ cần đã thích, thì sau khi tham khảo thông tin về trường lớp là chị tự ý quyết luôn, chốt luôn không cần hỏi ý kiến... Hay chuyện lớn hơn như mua ô tô, mặc dù chồng và mẹ chồng đều dư dả tài chính để mua xe, nhưng chị nhất quyết góp một phần nhỏ để “hợp thức hóa” chuyện đứng tên và giữ chìa khóa xe. Ngày thường, chồng muốn đi đâu cũng phải “xin phép” vợ, vì trong suy nghĩ của chị Trang, “cứ để chồng đi làm bằng xe máy loại xấu xấu, sẽ tránh được người khác nhìn vào thấy có tiền rồi dụ dỗ...”.

Cũng chính vì sống trong môi trường mà phụ nữ luôn có tiếng nói, nên chị Trang cho rằng, mọi thành viên trong gia đình nhỏ của mình cũng phải chiều theo sắp xếp của chị.

Trong khi đó, anh Duy lại là con trai độc nhất trong gia đình. Bố anh năm xưa đi lính rồi hy sinh, một mình mẹ nuôi dạy anh vất vả, nên thấu hiểu những nỗi niềm của một gia đình không trọn vẹn. Chính vì vậy, bà luôn mong con trai mình giữ gìn gia đình, giữ gìn hạnh phúc.

Có lẽ vì vậy, anh Duy luôn nhường nhịn vợ, không muốn hôn nhân đổ vỡ, bởi trong tâm lý của anh, làm vợ buồn là sẽ làm mẹ buồn. Chỉ cần anh lỡ làm điều gì khiến vợ mếch lòng, là vợ anh có thể kêu ca, phàn nàn với mẹ chồng nguyên một ngày, thậm chí, có lúc sử dụng toàn những lời lẽ khó nghe, chua ngoa, thâm độc... khiến không khí gia đình luôn trong tình thế căng thẳng, nặng nề.

“Giọt nước tràn ly”

Sau khi kết hôn được vài năm, chị Trang muốn anh Duy phải chuyển công tác từ kỹ sư xây dựng về làm văn phòng tại một trường đại học, để dễ bề kiểm soát. Chị cho rằng, công việc thuộc ngành xây dựng của chồng chị dễ dẫn đến tụ tập nhậu nhẹt rồi nhiều tệ nạn khác, mặt khác, chị cũng muốn anh chuyển việc, bởi chị có sẵn người quen trong môi trường mới, ngay cả lịch làm việc của chồng cũng được gửi sẵn, dễ bề kiểm soát chồng hơn. Anh không muốn nhưng vẫn đồng ý để chiều lòng vợ, cho không khí gia đình được ấm êm.

Bên cạnh việc nhờ vả người quen để mắt đến chồng, chị Trang còn cài định vị trên điện thoại của chồng, bất cứ khi nào kiểm tra không thấy tín hiệu, là chị sẽ gọi điện, bắt chồng bật lên bằng được. Mỗi ngày, chị Trang phải gọi điện cho chồng cả chục lần, rồi cứ độ một tiếng lại gọi video call để hỏi xem chồng đang ở đâu, làm gì, với ai? Nếu chồng không nghe máy, chị sẽ gọi đến khi nào phải bắt máy thì thôi, trường hợp nếu cả ngày anh chồng không nghe máy, thì tối đó, chị sẽ phàn nàn cả đêm không ngủ, thậm chí cả tuần vẫn chưa nguôi.

Chưa hết, mọi tài khoản cá nhân như Facebook, Zalo của anh, chị đều phải có mật khẩu. Giờ đi làm và tan làm của anh Duy cũng được chị mặc định sẵn, có tính cả thời gian tắc đường, nếu hôm nào anh chỉ về trễ độ 10 phút là cũng bị truy hỏi kỹ lưỡng... Mỗi tối, nếu anh Duy muốn đi đâu, chị đều phải đi cùng, vì chị cho rằng, kể cả anh có đi cùng cánh đàn ông, nhưng ai biết được, sau khi nhậu nhẹt xong, họ có rủ nhau đi đâu hay không...

Trong suy nghĩ của chị, chỉ cần anh Duy ra khỏi tầm mắt của chị, là chị ngay lập tức cảm thấy mất an toàn, nghi ngờ anh có quan hệ không đứng đắn ở bên ngoài. Mặc dù anh chẳng làm gì, nhưng chị luôn có thể suy diễn đủ điều với chứng ghen hoang tưởng của mình. Theo chuyên gia tâm lý, chị Trang hay ghen chỉ vì sĩ diện của bản thân, vì cái tôi quá cao, và luôn có suy nghĩ rằng, nếu một ngày, chồng mình ngoại tình bên ngoài thì sẽ làm mất hết thể diện.

Có lần, anh Duy đi họp lớp với bạn, chị Trang cũng nhất quyết đi theo. Suốt buổi hôm đó, mọi nhất cử nhất động của anh Duy đều nằm trong tầm ngắm của vợ, đến uống rượu cùng bạn cũ cũng chỉ dám nhấp môi. Đến khi mọi người chụp ảnh kỷ niệm, thấy có phụ nữ đứng cạnh chồng mình, còn khoác vai và bông đùa mấy câu, chị không khỏi tức tối, mặt mày sầm sì, khó chịu.

Về nhà, nhìn lại bức ảnh được gửi trong nhóm chat Zalo, chị Trang tiếp tục nổi máu ghen, dùng luôn nick của chồng nhắn thẳng vào trong nhóm: “Không bạn bè, giao lưu gì cả, bạn bè phải có chừng mực...”. Anh Duy xấu hổ, phải thoát ra khỏi nhóm lớp. Từ đó, anh cũng ngại các bạn, không dám tụ tập gì nữa.

Theo chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức, những biểu hiện ghen thái quá của chị Trang chính là một hội chứng bệnh lý.

“Một người đàn ông vốn không có anh em ruột thịt, nay lại bị vợ cấm đoán mọi mối quan hệ xã hội, không có bạn bè, nên mọi vui buồn chẳng biết tâm sự cùng ai. Có lẽ vì thế mà anh Duy ngày càng cảm thấy mệt mỏi, có dấu hiệu trầm cảm”, chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức nhìn nhận.

Đỉnh điểm, nhân một dịp đồng nghiệp trong cơ quan của anh Duy có tổ chức đám cưới cho con tại Thái Bình, mọi người hẹn nhau cùng xuống từ buổi tối hôm trước, muốn dành thời gian giao lưu một buổi. Chiều hôm đó, chị Trang cấm, không muốn cho đi, giấu chìa khóa ô tô đi. Nhưng vì đã trót hứa với đồng nghiệp, anh nhất quyết tìm chìa khóa để đi.

Hôm sau, anh vừa về đến nhà, chị Trang đã “nổi cơn tam bành”, rồi liên tục suy diễn ra đủ thứ chuyện cho anh chồng, nào là bỏ nhà đi đêm hôm, tụ tập rượu bia, gái gú đủ kiểu... để đay nghiến ngay trước mặt mẹ chồng. Có lẽ “con giun xéo lắm cũng quằn”, anh Duy vung tay tát chị Trang một cái. Thế là, ngay lập tức, chị bù lu bù loa lên, gọi cho một người quen cũng là công an đến nhà, đòi lập biên bản về việc anh Duy bạo hành, đánh vợ...

mau-thuan-voi-me-chong-vo-bi-chong-tat-23-cai-non-mau-2-lan-truoc-su-chung-kien-cua-con-47a-5651392-1649009329.jpg

“Tức nước vỡ bờ”, anh Duy vung tay tát vợ một cái, nhưng đó cũng là nguyên do khiến chị “nổi đóa”, gọi công an để dọa chồng và tiếp tục chuỗi ngày đay nghiến, áp bức. (Ảnh minh họa).

Anh Duy muốn sụp xuống vì quá đau đầu. Những ngày sau đó, chị Trang kiên quyết không cho chồng đi làm, phải ở nhà và nghe chị phàn nàn đủ kiểu. Anh Duy lúc này người bắt đầu đờ đẫn cả ngày, vì không chịu nổi áp lực, quá căng thẳng... Thấy vậy, chị Trang nghĩ chồng có dấu hiệu bị bệnh thần kinh, vội đưa đi khám khắp nơi, rồi tìm đến chuyên gia tâm lý để trị liệu.

Buộc chồng phải chấp nhận “xuống nước” để vợ thay đổi suy nghĩ

Sau khi nắm bắt được mâu thuẫn của gia đình anh Duy - chị Trang, chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức đã phải nhỏ to với người chồng: “Nguyên nhân chính là bởi, hai vợ chồng không giao tiếp được với nhau, không ai chịu nhường ai… mới dẫn đến không khí trong gia đình căng thẳng, lúc nào cũng có thể xảy ra tranh cãi.

Tuy nhiên, cũng vì bản thân chị Trang đã sinh ra và lớn lên trong lối suy nghĩ “phụ nữ có quyền” suốt mấy chục năm, nên rất khó thay đổi một cái nếp đã in hằn. Vì vậy, trước tiên, anh cứ tạm thời “xuống nước” khoảng vài tháng, vợ bảo sao thì làm y như vậy. Từ đó, thấy thành ý của chồng thì mới có thể khuyên chị Trang cũng nên thay đổi vì gia đình”.

z3301399759266-48856ddaf281ecbbe54381dbf168a74a-1649008926.jpg
Chuyên gia tâm lý đã phải đưa ra lời khuyên với anh Duy là cần “xuống nước” để thay đổi suy nghĩ của vợ mình. (Ảnh: NVCC).

“Bên cạnh đó, tôi cũng giới thiệu hai vợ chồng thường xuyên tham gia những buổi giao lưu và hoạt động của các nhóm thiện nguyện. Vốn dĩ, chị Trang không muốn chồng ra ngoài quan hệ bạn bè, một phần vì luôn nghĩ người khác thấy nhà mình có điều kiện thì sẽ bị lợi dụng. Vậy nên, để chị tham gia vào cộng đồng thiện nguyện, sẽ thấy được, mọi người luôn thoải mái với nhau, không hề vụ lợi... Từ đó, chị Trang không còn quá khó chịu với các mối quan hệ bên ngoài, chịu khó cởi mở và chia sẻ nhiều hơn. Tâm trạng tốt lên, chị Trang cũng dần thay đổi được suy nghĩ đã từng “đóng đinh” trong đầu mình, cuộc sống của anh Duy cũng bắt đầu “dễ thở” hơn...

Mặc dù tiến triển chậm, nhưng vì tư tưởng đã hằn sâu quá lâu, nên chỉ cần cải thiện từng chút mỗi ngày, cũng đã là một điều đáng mừng”, vị chuyên gia bày tỏ.

(Tên nhân vật đã được thay đổi).