Con gái 17 tuổi nói cười khác thường, mẹ đưa đi khám bàng hoàng phát hiện mỗi ngày con "tự xử" cả chục lần

CTV
Mỗi khi gặp căng thẳng, stress trong việc học tập, cô nữ sinh Hà Thành lại lên mạng xem những thước phim không lành mạnh, sau đó thực hành trên cơ thể mình, để rồi tạo thành một thói quen khó bỏ.

Nữ sinh nghiện thủ dâm đến mức phải nhập viện

Hồng Nhi là một nữ sinh lớp 11 với vẻ mặt xinh xắn và nụ cười duyên dáng, nhưng ít ai biết rằng, phía sau đó là những bí mật mà ngay cả người thân cũng không hề hay. Mẹ của Nhi chia sẻ, khi con gái vào lớp 11, chị thấy con có nhiều bất thường trong sinh hoạt, kết quả học tập giảm sút so với trước. Nhi thường xuyên nhốt mình trong phòng, khi gia đình gặp gặp biến cố, em tỏ ra thơ ơ, thậm chí còn hồn nhiên nói cười như không có chuyện gì xảy ra.

Khi biến cố gia đình được giải quyết, mẹ Nhi mới có thời gian gần gũi, chia sẻ với con và quyết định đưa con đi khám. “Khi tôi nói với con về những vấn đề gia đình mới trải qua, con không hề quan tâm, thậm chí sau đó còn nói cười như thể rất khoái chí. Nghĩ rằng con có vấn đề nên tôi và chồng quyết định đưa con đi khám”, chị chia sẻ.

Khi thấy con có dấu hiệu bất thường, phụ huynh đưa đi khám mới phát hiện sự thật phía sau. Ảnh minh họa.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách - Giám đốc trung tâm tâm lý ứng dụng lâm sàng DrMp cho biết, khi tiếp nhận nữ sinh này và trực tiếp thăm khám, bác sĩ phát hiện Nhi luôn ở trong trạng thái hưng cảm, không quản chế được cảm xúc. Khi bác sĩ thực hiện test và dùng kỹ thuật chuyên sâu để hướng dẫn cảm xúc não, Nhi mới bày tỏ lý do vì sao có trạng thái tâm lý bất thường như vậy.

Nhi chia sẻ, từ năm lớp 8, mỗi khi có áp lực học tập, em lại lên mạng xem những đoạn phim ngắn. Trong một lần tìm kiếm, Nhi vô tình xem được một đoạn phim sex, thấy tò mò nên bấm vào. Càng xem, càng hứng thú, Nhi đã tự làm hành động giống như phim để giải tỏa căng thẳng mình đang gặp phải.

“Sau lần một, lần hai… rồi cứ như vậy, mỗi khi căng thẳng cháu lại tìm đến những đoạn phim đó. Đặc biệt trong kỳ thi chuyển cấp, áp lực học tập khiến cháu thủ dâm nhiều hơn và không thể dừng lại được”, Nhi chia sẻ. Theo những gì Nhi tâm sự với bác sĩ, gần đây, có thời điểm em "tự xử" hàng chục lần/ngày, thậm chí đầu óc luôn nghĩ đến việc đó, không tập trung làm được việc gì khác.

Nhi được điều trị liên tục một tháng bằng tâm lý ám thị, kết hợp với âm nhạc và tình trạng dần ổn định, em cai được thói quen tự kích thích để giải tỏa. Đến hiện tại, kết quả học tập của Nhi đã cải thiện và em đã thể hiện sự quan tâm hơn đến mọi người xung quanh, không còn trạng thái hưng cảm như trước.

Các chuyên gia đều khẳng định thủ dâm không xấu nhưng cần có giới hạn và được kiểm soát. (Ảnh minh họa)

Thủ dâm không xấu nhưng cần có giới hạn

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành - Chuyên gia tình dục nữ, khoa Khám bệnh (BV Phụ sản Trung ương) cho biết, thủ dâm là nhu cầu sinh lý bình thường của con người và xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bác sĩ Thành cho rằng, ngay những đứa trẻ 2-3 tuổi đã có hành vi này - Trẻ dùng tay "nghịch" bộ phận sinh dục (nơi có rất nhiều dây thần kinh) và có cảm giác thích thú rồi lặp đi, lặp lại hành động đó.

Còn đối với trẻ vị thành niên, việc thủ dâm dường như là khó tránh khỏi, kể cả ở nam và nữ. Bởi đây là giai đoạn cơ quan sinh dục phát triển rất nhanh, trẻ lại thường xuyên có cảm giác tò mò, thích khám phá, nhất là khi có thể tiếp cận mạng internet và phim khiêu dâm sớm.

Những trẻ thường xuyên căng thẳng, stress thì càng dễ rơi vào tình trạng thủ dâm hoặc nghiện thủ dâm bởi hành vi này có thể mang tới cho cơ thể sự thỏa mãn, hưng phấn và trẻ nghĩ rằng, điều đó sẽ giải tỏa được những căng thẳng trong người nên sẽ lặp đi, lặp lại hành động. “Tôi phải khẳng định lại rằng, thủ dâm không phải là xấu nhưng hành vi này cần phải có giới hạn, có sự kiểm soát nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sức khỏe sinh sản, nhất là trẻ vị thành niên”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Chung quan điểm, bác sĩ Hồng Bách cũng cho rằng, quá trình thăm khám cho thấy đa số trẻ bị rối loạn tình dục tuổi vị thành niên là do áp lực học tập, áp lực thành tích từ bố mẹ quá lớn. Do vậy, phụ huynh cần chú ý đến sự thay đổi tâm lý của con, quan tâm con nhiều hơn, chia sẻ với con và giảm áp lực học tập cho con để trẻ có thời gian giao lưu, học hỏi và tương tác xã hội nhiều hơn, thay vì giải trí bằng phim ảnh, mạng xã hội.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi