Con làm toán 2,3 + 3,7 = 6 bị gạch sai, mẹ ấm ức đi kiện thì muối mặt nghe cô giáo giải thích

Lời giải của cô giáo khiến ai nghe cũng tâm phục khẩu phục.

Toán là môn học tương đối khắt khe và tỉ mỉ, nếu học sinh viết sai dấu câu, cột đơn giản hoặc viết sai số có thể dẫn đến trả lời sai toàn bộ câu hỏi. Chính vì thế, đây là môn học đòi hỏi sự cẩn thận và nghiêm túc của học sinh khi làm bài. 

Hai ngày trước, trên diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc cập nhật các tin tức về việc nuôi dạy con, một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện con gái 8 tuổi làm bài tập toán cơ bản nhưng lại bị cô chấm sai, thu hút lượng tương tác mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Con gái cô tên là Tiểu Mạch, đang học lớp 3 tiểu học. Thành tích của Tiểu Mạch luôn đứng trong top ba của lớp. Nhắc về năng lực học tập của con gái, người mẹ luôn rất tự hào.

Thế nhưng vào một hôm, sau bữa tối, người mẹ kể rằng con gái đã lấy bài kiểm tra toán và hỏi mẹ: “Tại sao con làm phép tính 2,3+3,7=6 nhưng cô giáo lại gạch sai hả mẹ?” người mẹ xem qua bài làm của con cũng ngơ ngác không hiểu lý do vì sao cô giáo lại trừ học sinh tận 2 điểm ở phép tính đơn giản này.

Càng nghĩ, người mẹ càng cảm thấy vô lý nên đã nhanh chóng nhắn tin cho cô giáo để hỏi rõ về tình huống này. Tuy nhiên sau khi nghe cô giáo giải thích thì người mẹ vô cùng xấu hổ. Hoá ra là do con gái đã không cẩn thận trong khi làm bài nên mới bị mất điểm, chứ cô giáo chấm hoàn toàn đúng. 

Giáo viên nói rằng câu hỏi này là để kiểm tra tính chính xác của dấu thập phân, đáp án đúng là 6,0 thay vì 6. Mặc dù 6,0 và 6 bằng nhau và không có sự khác biệt về giá trị nhưng theo như kiến thức toán học cơ bản về số thập phân thì 6,0 là kết quả chuẩn nhất.

Dẫu chỉ là một bài toán nhỏ nhưng nó lại vẫn có thể bộc lộ những vấn đề nan giải đối với học sinh, và cả phụ huynh. Đây cũng chính là cái hay của toán học, không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện tư duy logic cho trẻ, mà còn trau dồi tính cẩn thận, chỉn chu trong từng chi tiết để dẫn đến kết quả hoàn hảo nhất.

Vậy phụ huynh cần lưu ý những vấn đề gì khi dạy con học toán?

- Điều chỉnh thái độ của trẻ khi giải quyết câu hỏi

Toán là môn học rất khắt khe, đồng thời cũng là môn kiểm tra tính kiên nhẫn và tính cẩn thận của học sinh. Có rất nhiều công thức, khái niệm và có nhiều câu hỏi tính toán mà học sinh tiểu học rất có thể sẽ làm sai toàn bộ bài tập chỉ vì bỏ sót hay lơ là trong một bước thực hiện nào đó.

Điều này đòi hỏi phụ huynh phải hướng dẫn con, điều chỉnh thái độ cho con khi giải các bài tập toán, giúp trẻ nhận thức rõ ràng về vấn đề chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ trong quá trình giải bài thì có thể dẫn đến tình huống con bị mất điểm oan, nếu không muốn nhận kết quả thấp thì con cần phải cẩn thận khi làm bài.

Cũng giống như bài toán “2,3+3,7=6” bị giáo viên gạch bỏ ở trên, phụ huynh cần giải thích cho con biết lỗi ở đâu, từ đó trẻ mới nhớ mà rút kinh nghiệm cho những lần sau. Con sẽ không có sự cẩu thả, và dần dần hình thành thói quen làm bài một cách nghiêm túc. 

- Hãy để trẻ phát triển thói quen xem xét

Trẻ em ngày nay áp lực học tập, số lượng bài vở ngày càng lớn, không chỉ phải hoàn thành bài tập do giáo viên giao mà còn phải làm bài tập do cha mẹ giao. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều đứa trẻ không dư dả thời gian để suy nghĩ quá lâu một bài toán, mà cần phải tìm cách giải nó sao cho nhanh hơn.

Toán học là môn học có rất nhiều phép tính và nhiều bước, nếu không cẩn thận thì học sinh có thể dễ dàng mắc sai sót. Thực tế, không chỉ môn toán mà bất kỳ môn học nào cũng phải ôn lại kiến thức sau khi học sinh hoàn thành nó.

Điều này có lợi cho trẻ trong việc kiểm tra tính chính xác của các bài tập và phát hiện vấn đề, càng có lợi hơn cho việc trẻ nắm vững các điểm kiến ​​thức đã được học. Quan trọng là giúp trẻ hình thành thói quen ôn tập các câu hỏi sau khi làm bài. Trẻ sẽ từ từ tóm tắt các phương pháp học tập của mình và tìm hiểu thêm về chúng. Việc học của trẻ sẽ ngày càng dễ dàng và vững vàng hơn nên cha mẹ hãy cố gắng hướng dẫn trẻ hình thành thói quen ôn tập.

- Bố mẹ tìm vấn đề và cùng hỗ trợ con giải quyết 

Khi trẻ gặp khó khăn hoặc làm sai, cha mẹ cần nhận ra điều đó một cách tích cực và kiên nhẫn, thay vì trách móc hay phạt trẻ. Việc trẻ gặp khó khăn, như trong học tập, là điều hết sức bình thường và cần được xem là cơ hội để cha mẹ và trẻ cùng nhau học hỏi, phát triển.

Thay vì la mắng hay đánh đập trẻ, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ gặp vấn đề. Bằng cách tìm hiểu và lắng nghe, cha mẹ có thể hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Từ đó, họ có thể cùng trẻ đặt ra những câu hỏi "tại sao" để trẻ tự mình nhận ra điểm yếu của mình và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

KIỀU TRANG