Con trai 17 tuổi mắc lao khiến mẹ ân hận, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu này kéo dài 2 tuần cần đi khám ngay

Khi con trai ho liên tục, người mẹ cứ nghĩ con mắc Covid-19, không biết rằng, đó là những cơn ho do bệnh lao gây nên.

Nghĩ con còn trẻ thì không thể mắc bệnh lao

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao có tên khoa học là mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vi khuẩn thường tấn công vào phổi, nhưng cũng có thể gây tổn thương ở những cơ quan khác như não, tủy, thận và cơ xương khớp.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện thể giới có hơn 10,6 triệu người mắc bệnh lao, trong đó có 1,6 triệu người đã chết về bệnh này. Tại Việt Nam, trong năm 2023 có 106.000 người mắc bệnh lao và có 11.000 người đã tử vong.

Một nam thanh niên mắc lao đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ BS.CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bệnh lao có thể phòng ngừa, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể khỏi hẳn. Nhưng thời gian qua, vì chủ qua, nhiều người để bệnh tiến triển nặng, dù tuổi đời còn rất trẻ.

Đó là trường hợp của Trương Thanh Hoàng, đang học tại một trường cấp 3 ở TP Thủ Đức, được chẩn đoán mắc lao khi mới 17 tuổi. Trước đó, Hoàng ho liên tục và đờm nhiều và ai trong nhà cũng nghĩ Hoàng nhiễm Covid-19.

Cho tới khi những cơn ho kéo dài liên tục, kèm đau ngực, khó thở, người mệt mỏi, có lúc bị ho ra máu, Hoàng mới được mẹ đưa đến Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) khám. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán Hoàng bị lao phổi.

Không tin con trai còn nhỏ lại mắc căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người mẹ đưa con đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) khám, làm các xét nghiệm một lần nữa. Khi nhận kết quả như cũ, người mẹ suy sụp tinh thần. Hoàng phải bảo lưu kết quả học tập để trị bệnh. Sau gần một năm điều trị bằng thuốc, sức khỏe nam sinh dần hồi phục và đã khống chế được vi khuẩn lao.

Cũng vì chủ quan, nghĩ con còn trẻ không mắcc lao, chị Tuyết Loan (Tiền Giang) đã phải ôm nỗi day dắt, hối hận. Chị cho biết, trước đó, con trai 17 tuổi bị sốt và ho liên tục, được bác sĩ tại bệnh viện địa phương chẩn đoán mắc lao phổi.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, bệnh lao hiện nay đang có rất nhiều người trẻ tuổi mắc. Ảnh: BVCC.

Nghĩ con còn nhỏ thì không thể bị lao, vợ chồng chị Tuyết Loan không cho nhập viện điều trị. Cho đến khi con trai sốt cao, ho ra máu, vợ chồng chị mới vội vã đưa con đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cấp cứu. Từ kết quả chụp X-quang phổi, thấy phổi bị tổn thương nhiều và cần rất nhiều thời gian để điều trị.

Ho kéo dài 2 tuần thì nên đi khám lao

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cảnh báo, lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh thường kéo dài âm thầm và được phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng lao theo đường máu bạch huyết đến cư trú, phát triển, làm tổn thương đầu tiên là phổi, rồi các cơ quan khác trong cơ thể người bệnh.

Dù vi trùng lao chỉ khu trú ở một bộ phận nào đó, nhưng có thể gây nên các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, kém ăn, gầy, sụt cân, da xanh, thiếu máu, buồn nôn… Con đường lây nhiễm chủ yếu qua bụi trong không khí, qua hô hấp, do những giọt nước bọt, đờm, nhớt li ti bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp với người xung quanh.

“Ai cũng có thể mắc lao”, bác sĩ Lân khuyến cáo. Vì vậy, bác sĩ Lân lưu ý, bị ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra, khi ho kèm các triệu chứng giảm cân nhanh, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau ngực, khó thở, ra mồ hôi trộm ban đêm thì cần đi khám lao ngay để sớm phát hiện và điều trị lao. Việc chúng ta chủ quan, nghĩ rằng người trẻ không mắc lao như hai trường hợp trên là hoàn toàn sai.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi ho kéo dài 2 tuần kèm các triệu chứng thì cần nên đi khám bệnh lao. Ảnh minh họa.

Bác sĩ Việt cũng khuyến cáo, bệnh lao có thể phòng ngừa bằng thuốc chủng ngừa, tiêm nhắc định kỳ, dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng, thể dục thể thao, bổ sung vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh lao, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao: người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh nền nặng.

Việc giáo dục sức khỏe cho người dân, hướng dẫn các biện pháp tránh lây lan: đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp… kết hợp tầm soát bệnh lao cho tất cả mọi người tiếp xúc người nghi hoặc mắc bệnh lao, khi biểu hiện sốt, ho, khò khè kéo dài không đáp ứng điều trị thông thường, nổi hạch,… đặc biệt ở những cơ địa suy dinh dưỡng hoặc hệ miễn dịch suy giảm.

* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

DIỆU THUẦN