Bác sĩ Chen và vợ cũ có với nhau 2 con trai và 1 con gái. Cả hai đã ly hôn được 5 năm, 3 đứa trẻ đều do bố chăm sóc. Vài ngày trước, bác sĩ Chen đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân kể rằng đã đánh các con, nguyên nhân là do trước đây anh chiều chuộng, nhẹ nhàng với 3 đứa trẻ quá nên khả năng tự chăm sóc bản thân của các con yếu kém. Mong con có thói quen sống tốt, biết chịu trách nhiệm với bản thân, anh bất đắc dĩ phải làm người cha dữ, đánh các con để dạy dỗ.
Cậu con trai đang học tiểu học bị cha tát 50 cái để dạy dỗ.
Tuy nhiên sau đó, mẹ ruột của 3 đứa trẻ đã lên tiếng kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo chia sẻ của người mẹ thì 2 con trai đã bị tát 50 cái và còn bị đạp ngã mà lý do là bác sĩ Chen không hài lòng về việc cậu con trai thứ 2 nói năng dài dòng, không đúng trọng tâm. Cô giáo đã gọi điện thông báo cho người mẹ sau khi thấy đứa trẻ mặt mũi đỏ bầm đến lớp và người mẹ mau chóng gọi cảnh sát, tố cáo hành vi bạo hành trẻ em của bác sĩ Chen.
Cũng theo lời kể của người mẹ, các con của cô cho biết chúng hàng ngày phải tự đi bộ đến trường và làm tất cả việc nhà, không lười biếng như bác sĩ Chen nói. Thậm chí khi chúng quên đổ rác do đi học về muộn liền bị cha nhốt ở ban công rất lâu dù bên ngoài vô cùng nắng nóng.
Rồi có lần cậu con trai lớn gây ra một tiếng động nhỏ lúc bác sĩ Chen đang nghỉ trưa liền bị cha phạt quỳ một tiếng. Sự việc tát con trai 50 cái lần này, cô con gái út cũng chứng kiến toàn bộ khiến cô bé vô cùng sợ hãi. Đặc biệt hành vi viết bài đăng kể xấu các con khiến những đứa trẻ càng thêm tức giận và tổn thương.
Trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đập sẽ ảnh hưởng tâm lý, dễ bị trầm cảm, ảnh hưởng não bộ. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Li Junhong, giám đốc Khoa Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên tại Viện điều dưỡng Jianan thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, cho biết những thay đổi hành vi do hình phạt mang lại về cơ bản là nỗi sợ hãi và không thể đạt được hiệu quả giáo dục.
Ông giải thích rằng não bộ có cơ chế tự bảo vệ, khi áp lực bên ngoài đạt đến một mức nhất định, mối liên hệ giữa não bộ và tâm trí sẽ mất kết nối và trẻ sẽ không học được bài học nào.
"Bạn có thể tưởng tượng, chiều cao của một đứa trẻ chỉ bằng một nửa so với người lớn. Đối mặt với hành vi bạo lực do một người cao gấp đôi dạy dỗ, làm sao trẻ có thể bắt đầu suy nghĩ hợp lý?", bác sĩ Li Junhong giải thích.
Trong một tình huống bạo lực như vậy, não sẽ chiến đấu để tự bảo vệ, ngắt kết nối tư duy logic và các chức năng bậc cao của não, trẻ chỉ có cảm giác vật lý. Vì vậy, khi hình phạt thể xác đạt đến một mức độ nhất định, đứa trẻ sẽ gần như "bị trơ" về tư duy và chỉ có cảm xúc đau đớn.
Tiến sĩ Alan E. Kazdin, giáo sư nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Yale, Mỹ cũng cho biết: "Bạn có thể đánh một đứa trẻ và chúng sẽ dừng lại vì hiệu ứng giật mình nhưng trận đòn đó không dạy đứa trẻ phải làm gì. Việc chúng dừng lại ngay lập tức không làm ngăn chặn hành vi đó và nó có thể sẽ lặp lại vào một khoảnh khắc hoặc ngày tiếp theo. Nói cách khác, đứa trẻ sẽ không tập trung vào những gì chúng đã làm sai, chúng sẽ chỉ tập trung vào nỗi đau khi bị đánh đòn".
Tiến sĩ Elizabeth Gershoff, trợ lý giáo sư tại trường Công tác Xã hội thuộc Đại học Michigan, Mỹ, đồng ý với quan điểm này. "Nếu trẻ em bị đánh, chúng sẽ dừng việc chúng đang làm ngay lập tức nhưng chúng sẽ không dừng làm việc đó trong tương lai. Khi mọi người nói rằng việc đánh đòn có tác dụng, có lẽ họ vừa đánh con vừa làm thêm những việc khác với con của mình", bà Elizabeth nói.
Trẻ bị bạo hành thể xác sẽ bị giảm IQ. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, bác sĩ Li Junhong giải thích rằng trẻ em bị căng thẳng chấn thương sẽ tạo ra các phản ứng độc hại trong não, về lâu dài, các chức năng của não sẽ bị thoái hóa, chẳng hạn như trí nhớ, sự tập trung và khả năng tư duy logic sẽ bị ảnh hưởng. Bị bạo lực trong thời gian dài có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tâm thần, trầm cảm ở tuổi trưởng thành, bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường, lạm dụng ma túy và rượu, tất cả đều có thể liên quan đến trải nghiệm đau buồn trong thời thơ ấu.
Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy trẻ em bị đánh sẽ giảm IQ, theo báo cáo của tờ "Nhật báo thế giới". Sau 4 năm theo dõi 1.150 trẻ em 2-9 tuổi, các chuyên gia nhận thấy trong số 806 trẻ em 2-4 tuổi, chỉ số IQ trung bình của những đứa bé không bị phạt đòn cao hơn 5 điểm so với những đứa trẻ thường xuyên bị đánh. Chỉ số IQ trung bình của 704 trẻ em trong độ tuổi 5-9 không bị đòn roi cao hơn 28 điểm so với những đứa trẻ bị áp dụng biện pháp giáo dục bạo lực.
Giáo dục, khuyến khích và khen ngợi có tác động lớn hơn đến việc hình thành thói quen. Bác sĩ Li Junhong chỉ ra rằng phần thưởng hiệu quả hơn hình phạt, và việc nuôi dạy trẻ em phải được chia thành các độ tuổi và cấp độ, giai đoạn quan trọng nhất để hình thành thói quen sinh hoạt là từ mẫu giáo đến tiểu học, lúc này tốt hơn là nên đưa con đi học.
Bên cạnh đó, sự tương tác giữa cha mẹ và con cái, thông qua việc cùng nhau luyện tập, trí nhớ cơ thể tồn tại lâu hơn trí nhớ bằng lời nói hoặc sách vở, đồng thời cũng có lợi cho việc hình thành thói quen.
Tuy nhiên, một số cha mẹ nhấn mạnh rằng con cái họ thực sự không nghe lời nên việc phải dùng hình phạt thể xác là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trọng tâm của hình phạt và kỷ luật là phải nhất quán và giao tiếp rõ ràng với trẻ, cha mẹ không nên nuông chiều trẻ trước rồi đột ngột kỷ luật, điều này cho thấy cha mẹ không nhất quán trong việc dạy dỗ con.
Cha mẹ cũng nên hiểu rằng trẻ em là những cá thể độc lập và trách nhiệm của cha mẹ là hỗ trợ trẻ khám phá, cung cấp cho trẻ đủ năng lực và nguồn lực học tập, cùng trẻ tìm ra câu trả lời, như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho cả cha mẹ và con cái.