Con tương lai nghèo đói chỉ vì thói quen chi tiêu của cha mẹ hiện tại

Cuộc sống đang thay đổi, nên có những quy tắc nuôi dạy con của các bậc cha mẹ dường như đã "hết hiệu lực".

Cha mẹ hoang phí hay quá tiết kiệm hoặc không dạy con về tiền đều có thể khiến con có những sai lầm về tiền bạc sau này.

Dù bạn có nhận ra hay không thì cách bạn được nuôi dưỡng có ảnh hưởng lớn đến cách bạn ra quyết định khi trưởng thành. Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ đổ lỗi cho cha mẹ về những sai lầm tài chính của mình, mà một khi bạn đã hiểu ra gốc rễ những thói quen xấu của mình, bạn cần có nỗ lực thay đổi chúng.

Dưới đây là những hành vi của cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tiền bạc của con và dễ khiến con trở thành người nghèo trong tương lai:

Tiết kiệm "từng xu từng hào"

Cha mẹ luôn cố dạy bạn bài học về tiết kiệm và dường như từ chối tất cả những gì bạn muốn mua sắm khi còn nhỏ. Lớn lên, bạn sẽ chi tiêu hoang phí để bù đắp lại việc bị từ chối thời thơ ấu.

Thế giới chuyển động không ngừng, mọi thứ thay đổi, cách kiếm tiền cũng như tiết kiệm truyền thống đã không còn thích hợp với thời đại ngày nay. Không ai biết chúng ta sẽ cần những kỹ năng gì để có thể tồn tại trong điều kiện kinh tế mới của tương lai. Thế nên, điều quan trọng là dạy con thích nghi linh hoạt và điều chỉnh trước những thay đổi, thay vì chỉ tiết kiệm từng đồng.

Ảnh minh họa

Cãi nhau về tiền

Hầu như vợ chồng nào cũng có lúc cãi nhau vì tiền nhưng đừng biến việc này thành thói quen và đừng làm việc đó trước mặt trẻ.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, trẻ chứng kiến những cuộc cãi vã liên miên về tiền bạc của bố mẹ thì khi lớn hay dùng nhiều thẻ tín dụng và khó cân bằng tài chính. Khi tiền được xem là nguồn gốc của những bất đồng và lo âu, nó sẽ nuôi dưỡng những thói quen kém lành mạnh ở trẻ.

Cho trẻ thấy cuộc đời mình "chật vật vì tiền"

Hẳn nhiên không nên che đậy với con cái về cuộc sống thực tế của gia đình, bao gồm trong đó là nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên chớ nên than vãn chuyện tiền quanh năm suốt tháng với con cái. Khi bạn làm như vậy, các vai trò trong gia đình bị đảo lộn, khiến trẻ hình thành tâm lý phức tạp, nửa muốn gồng mình lên giúp đỡ, nửa sợ hãi cuộc sống trưởng thành. Thậm chí, trẻ hình thành cảm xúc coi tiền là gánh nặng, là mục tiêu số một, thay vì sống một cuộc sống đơn thuần của đứa trẻ.

Chiều ngược lại, trong các gia đình giàu có, đôi khi cha mẹ cho trẻ chi tiêu không phải nghĩ. Thậm chí dù trẻ nhỏ, cha mẹ vẫn cho trẻ một khoản tiêu vặt lớn, hoặc cho trẻ mua sắm tất cả những gì chúng thích mỗi khi đi siêu thị. Điều này bắt nguồn từ tâm lý "đời mình đã khổ cực, các con cần được sung sướng hơn".

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc thỏa mãn mọi mong muốn tức thời của trẻ mang lại nhiều tác hại hơn là lợi. Khả năng trì hoãn sự thỏa mãn sẽ hữu ích hơn cho tương lai của con sau này.

Cha mẹ làm từ thiện quá nhiều

Cha mẹ đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc này. Bạn cũng nhân ái như cha mẹ nhưng nguy cơ là sẽ cho đi nhiều hơn khả năng của mình. Từ thiện là một khái niệm tuyệt vời và cao quý, nhưng chúng ta thường dễ bị cảm xúc lấn át, dẫn đến việc nói "có" quá thường xuyên.

So sánh với người khác

Nếu có bạn bè hay người thân giàu có hơn, bạn cũng đừng thể hiện sự ghen tỵ hay khó chịu trước mặt trẻ. Thái độ đó không chỉ khiến con đo thành công qua vật chất mà còn làm trẻ luôn cố cạnh tranh để được hơn người.

Đây là một cuộc đua không thực tế và có thể ươm mầm nên những đứa trẻ muốn giàu có bằng mọi giá, kể cả dùng sự dối trá và từ đó trẻ mắc sai lầm.

Cha mẹ không cho con tiêu tiền vào "những thứ phù phiếm"

Ngoài trường học, bạn không cho trẻ có cơ hội học hỏi những điều mới mẻ từ những môi trường khác, ví dụ đi xem phim, tham quan các bảo tàng, phòng tranh, tiệm sách... vì cho là tốn tiền vào những thứ phù phiếm.

Nhưng thực tế không phải vậy. Các hoạt động kể trên giúp trẻ mở rộng vốn hiểu biết, những kiến thức không trong sách vở này rất giá trị, góp phần giúp định hướng con người của trẻ trong tương lai.

Cha mẹ sống lãng phí

Có lẽ họ sống như bồi thường cho những gì họ cảm thấy bị tước đoạt thời trẻ hoặc họ không muốn kém người khác. Bạn vì thế cũng sống lãng phí hơn nhu cầu thực tế và vượt quá khả năng của mình. Dù bạn cố không đi vào vết xe đổ của cha mẹ nhưng việc đó vẫn xảy ra. Lớn lên trong một gia đình mà mọi người sống xa hoa, sẽ rất khó để bạn chấp nhận một cuộc sống tiết kiệm.