Công an TP.HCM sắp ra mắt app cảnh báo lừa đảo qua mạng

App an ninh trật tự của Công an TP.HCM sẽ cung cấp thông tin, kiến thức để người dân nhận diện hành vi, thủ đoạn lừa đảo, tránh tình trạng mất tiền.

Theo báo VOV, phát biểu tại Hội nghị Thành ủy TP. HCM lần thứ 31 diễn ra sáng 14/6, Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được đảm bảo. Công an TP.HCM đã xây dựng hệ thống an ninh chủ động, không để bị động, bất ngờ, không để các đối tượng thù địch lợi dụng về vụ việc mà người dân chưa đồng thuận với chính quyền để bị các đối tượng kích động, lôi kéo các vụ việc đông người gây phức tạp tình hình và tạo điểm nóng.

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM thông tin về tình hình an ninh trật tự 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Thanh Niên

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM thông tin về tình hình an ninh trật tự 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Thanh Niên

Về tội phạm trật tự xã hội, 6 tháng đầu năm đã xảy ra 1.344 vụ và đã khám phá 1.146 vụ, đạt 85,46 % (cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội giao). Với hơn 900 vụ án tồn của năm 2023 được chuyển sang đã khám phá nâng tỷ lệ lên gần 50%. Trong đó, tội phạm về cướp giật có nhiều địa phương đã khám phá 100%, tỷ lệ chung của toàn thành phố đạt 93%, án về trộm cắp khám phá được 71% (tăng 17%).

Đặc biệt, Giám đốc Công an TP. HCM cho biết, hiện tội phạm trên mạng rất phức tạp với các hoạt động như mua bán vũ khí, mua bán ma túy; thành lập các hội, nhóm ở nợ làm liều… Công an thành phố đã phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh triệt phá thành công rất nhiều vụ việc, như vụ cướp ở Quận 12 mới đây.

Hiện đang nổi lên hành vi phạm tội với hình thức đầu tư tài chính, mua bán đa cấp kèm theo tiền thưởng hoặc giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo. Tỉ lệ khám phá của vụ án này đang còn rất thấp (mới chỉ 20%).

Nguyên nhân là do đặc trưng của loại án này là khi quá trình tương tác, người dân bị các đối tượng dẫn dụ, lôi kéo, dụ dỗ nên không biết bị lừa. Chỉ khi tài sản bị chiếm đoạt thì người dân mới đến cơ quan công an để trình báo. Lúc này tài sản bị chuyển qua nhiều ngân hàng, bị rút tiền mặt… trong khi đối tượng gây án ở các địa bàn xa.

Công an thành phố và các cục nghiệp vụ cũng nỗ lực phá các loại tội phạm trên; trong đó có nhiều vụ án liên quan đến người nước ngoài. Cách đây 10 ngày, Công an thành phố cũng vừa triệt phá vụ 19 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và thuê chung cư ở quận Bình Thạnh, TP.Thủ Đức để thực hiện các hành vi là lừa đảo qua mạng. 

Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, giải pháp cần thiết là phải làm cho người dân có được kiến thức về các hành vi phạm tội lợi dụng công nghệ thông tin ở trên mạng để người dân nhận biết, nhận diện kịp thời. Cụ thể là không tương tác, không cung cấp thông tin cá nhân, người lớn có thể điện ngay cho con cái để hỏi thăm và trình báo lên cơ quan công an kịp thời các hành vi phạm tội.

Do đó, Công an TP.HCM đã chủ động báo cáo Bộ Công an cho xây dựng app an ninh trật tự, sắp hoàn thành. Với App này, người dân sẽ được cung cấp thông tin, kiến thức nhận diện hành vi thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo. Ngoài ra tại app này, Công an TP sẽ tích hợp kỹ năng PCCC cho người dân, báo Tuổi Trẻ thông tin.