CSGT có được giữ căn cước công dân của người vi phạm hay không?

CSGT có được quyền giữ căn cước công dân của người vi phạm hay không là vấn đề nhiều người thắc mắc.

Bộ Công an đã có Thông tư số 32/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9/2023.

Điều 12 Thông tư 32 quy định, khi dừng xe, CSGT sẽ kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông gồm:

-Giấy phép lái xe.

-Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe).

-Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định).

-Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác.

Khi bị CSGT dừng xe để tuần tra kiểm soát, nếu yêu cầu xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD, người tham gia giao thông phải tuân thủ và cung cấp đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu.

Tuy nhiên, theo khoản 2 của Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), quy định:

Để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ cho việc xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định tạm giữ phương tiện và giấy tờ liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, theo quy định tại khoản 6 và khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Khi giấy tờ bị tạm giữ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu sau thời hạn hẹn để giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm không đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm, nhưng vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc sử dụng phương tiện tham gia giao thông, người vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Ngoài ra, khoản 6 của Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, quy định như sau: Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân hoặc tổ chức vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành phương tiện hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân hoặc tổ chức đó tuân thủ quyết định xử phạt. Nếu cá nhân hoặc tổ chức vi phạm không có giấy tờ nêu trên, người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.

Do đó, CSGT có thể tạm giữ một trong các giấy tờ của người vi phạm giao thông như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện giao thông vi phạm. Nếu người vi phạm không xuất trình được một trong những giấy tờ trên, cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm.

Như vậy, CSGT không có quyền giữ căn cước công dân của người vi phạm giao thông.

CSGT được dừng xe trong những trường hợp nào?

Theo Thông tư 32/2023, từ 15/9/2023, cảnh sát giao thông tuần tra sẽ được dừng xe kiểm soát trong 4 trường hợp.

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

- Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

- Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

 

Minh Hoa (t/h)/Người đưa tin