Lợi nhuận “tăng vọt” trong nửa đầu năm 2023
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2023, LTG ghi nhận doanh thu thuần 5,7 nghìn tỷ đồng, giảm gần 2% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán ở mức 4,9 nghìn tỷ đồng nên lãi gộp doanh nghiệp thu về chỉ xấp xỉ 797 tỷ đồng, giảm 14% so với nửa đầu năm 2022.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của LTG, có thể thấy doanh thu lương thực - gạo vẫn chiếm phần lớn với 3,8 nghìn tỷ đồng. Tiếp đó, doanh thu thuốc bảo vệ thực vật gần 1,4 nghìn tỷ đồng; doanh thu hạt giống cây trồng 304 tỷ đồng; doanh thu bao bì 62 tỷ đồng, doanh thu từ hợp đồng xây dựng và doanh thu khác là 97 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ của LTG (ảnh chụp từ BCTC).
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng cao hơn 88,6 tỷ đồng so với cùng thời điểm năm ngoái, đạt mức 111,7 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp phát sinh phần lãi trong công ty liên kết gần 330 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ không ghi nhận). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 329 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, LTG báo lãi ròng 344,3 tỷ đồng, tăng hơn 146% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải nguyên nhân, LTG cho biết chủ yếu do việc ghi nhận ban đầu của giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại công ty liên kết. Việc ghi nhận này đang được xác định tạm thời dựa trên giá trị sổ sách của tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua. Công ty sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết khi hoàn thành đánh giá chính thức giá trị hợp lý của tài sản thuần mua về trong vòng 12 tháng kể từ ngày mua.
Được biết, năm 2023, LTG đặt mục tiêu lãi sau thuế 400 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh trên, doanh nghiệp lúa gạo này đã hoàn thành được 86% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 6 tháng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của LTG đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với số đầu năm, tương ứng 3,4 nghìn tỷ đồng. Biến động này đến từ khoản “phải thu ngắn hạn của khách hàng” tăng mạnh từ 2,3 nghìn tỷ đồng lên 5,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đầu tư vào công ty liên kết với tổng 541,5 tỷ đồng, trong khi thời điểm đầu năm không ghi nhận.
Ảnh chụp BCTC của LTG.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho của LTG còn 2,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm. Phần lớn trong đầy là thành phẩm khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng, nguyên vật liệu 625,1 tỷ đồng và hàng hóa 398,7 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của LTG ở mức 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 3,2 nghìn tỷ đồng chỉ sau 6 tháng. Trong đó, nổi bật là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn “phình to” từ 3,7 nghìn tỷ đồng lên 6,8 nghìn tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu 3,3 nghìn tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của doanh nghiệp đã là 2,6.
Truy thu vi phạm hành chính về thuế hơn 6 tỷ đồng
Theo nội dung thông tin công bố, LTG đã nhận quyết định xử phạt số 1431/QĐ-TCT ngày 25/9/2023 của Tổng cục Thuế về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế năm 2021 và 2022.
Theo đó, tổng số tiền truy thu là hơn 6 tỷ đồng, bao gồm thuế GTGT 666,4 triệu đồng, thuế TNDN 3,9 tỷ đồng, thuế TNCN 29,8 triệu đồng, tiền chậm nộp thuế 434,5 triệu đồng và phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng.
Ảnh chụp từ Thông bố thông tin bất thường số 351/CV-TĐLT ngày 2/10/2023 của LTG.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Công ty có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau 15/9/2023 đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và tiền phạt vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
LTG tiền thân là công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang được thành lập năm 1993, đến năm 2004 thì chuyển đổi hoạt động sang hình thức CTCP và chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Lộc Trời vào năm 2015. Năm 2017, công ty được giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán LTG.
Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thuốc vảo vệ cây trồng, kinh doanh hóa chất, hạt giống, bao bì giấy và chế biến gạo cho xuất khẩu. Trụ sở công ty đặt tại số 23 đường Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang với mã số thuế 1600192619.
Người đại diện là ông Huỳnh Văn Thòn – chủ tịch HĐQT, hiện đang nắm giữ 3,16% cổ phần công ty.
Ngọc Bảo